Phòng, chống bệnh lở mồm long móng

  Theo thông tin từ Cục Thú y, từ giữa tháng 11/2018 đến nay, đã có 13 ổ dịch Lở mồm long móng (Foot and Mouth Disease) xảy ra tại Hà Nội, Quảng Trị và Bắc Ninh với 503 gia súc mắc bệnh (trâu 4 con, bò 157 con, heo 342 con). Tính đến ngày 23/12/2018, vẫn còn 5 ổ dịch tại Hà Nội và Bắc Ninh chưa qua 21 ngày. Theo dự báo, nguy cơ phát sinh dịch rất cao ở những nơi gia súc chưa được tiêm phòng vaccine Lở mồm long móng (LMLM) hoặc vùng dịch cũ. Các địa phương (thuộc vùng dịch cũ hoặc nơi tỷ lệ gia súc tiêm phòng vaccine thấp, đặc biệt là địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc xóa đói giảm nghèo) cần: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch; tổ chức tiêm phòng vaccine LMLM; kiểm soát chặt việc vận chuyển, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch. Căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương và thông báo lưu hành virus LMLM-khuyến cáo sử dụng vaccine năm 2018 của Cục Thú y để tổ chức mua đúng loại vaccine phòng, chống dịch để đạt hiệu quả cao nhất.
           Bệnh LMLM thuộc Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là bệnh truyền nhiễm ở các loài động vật móng guốc chẵn, lây lan mạnh, gây ra bởi loài virus thuộc họ Picornaviridae, giống Aphthovirus. Virus có 7 type là: A, O, C, Asia 1, SAT 1, SAT 2, SAT 3 với hơn 60 phân type. Ở Việt Nam đã phát hiện type O, A và Asia 1. Đường truyền lây có thể lây trực tiếp: Do tiếp xúc giữa động vật mẫn cảm và động vật mắc bệnh khi nhốt chung hoặc chăn thả chung trên đồng cỏ hoặc lây gián tiếp: Qua thức ăn, nước uống, máng ăn, máng uống, nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi, tay chân, quần áo người chăn nuôi bị nhiễm virus. Bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác, lây từ nước này sang nước khác qua biên giới theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống có mang mầm bệnh (kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa).
           Triệu chứng của động vật mắc bệnh: Sốt cao trên 40°C, kém ăn hoặc bỏ ăn, chảy nhiều nước bọt, chân đau, mụn nước xuất hiện ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng và đầu vú. Khi mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ làm long móng, nhất là ở heo. Sau khi phát bệnh 10-15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong con vật (heo: 03-04 tuần, trâu bò: 02-03 năm, cừu: 09 tháng, dê: 04 tháng) và được bài thải ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

               

 

           Triệu chứng: Kẽ chân sưng, đầu vú có mụn nước ở bò bị bệnh LMLM
           Phòng bệnh: Phòng bệnh bắt buộc bằng vaccine; phạm vi tiêm phòng: Tiêm phòng theo kế hoạch của cơ quan chuyên môn và tại vùng dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định.
          Xử lý đối với gia súc mắc bệnh: Việc xử lý gia súc mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh LMLM hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận gia súc bị mắc bệnh LMLM. Đối với trâu, bò dê, cừu, hươu, nai: Tiêu hủy bắt buộc gia súc chết, gia súc mắc bệnh trong ổ dịch đầu tiên khi mới xuất hiện tại thôn, ấp, bản hoặc gia súc mắc bệnh với type  virus LMLM mới hoặc type virus không xuất hiện trên địa bàn trong thời gian 10 năm trở lại đây. Đối với gia súc không thuộc diện nêu trên thì khuyến khích tiêu hủy; trường hợp không tiêu hủy thì được giết mổ tiêu thụ tại chỗ hoặc đánh dấu và nuôi giữ tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương trên cơ sở thời gian mang trùng của từng loài (trâu bò: 02 năm, cừu: 09 tháng, dê: 04 tháng). Tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số heo mắc bệnh trong ổ dịch với triệu chứng lâm sàng điển hình để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch, cách ly heo khỏe mạnh trong cùng đàn với heo mắc bệnh để theo dõi. 
           Đối với vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM, thực hiện tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc gia súc mắc bệnh LMLM và xử lý ổ dịch theo quy định.


Nguồn tài liệu:
- Dịch bệnh gia súc, gia cầm, 
http://www.cucthuy.gov.vn/Pages/dich-benh-gia-suc-gia-cam.aspx, truy cập ngày 24/12/2018.
- Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, ngày 31/5/2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.


Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 
Tin mới