Giải pháp khắc phục vườn cây ăn trái sau ngập úng

    Trà Vinh có diện tích vườn cây ăn trái 17.647 ha, tập trung nhiều ven Sông Tiền và Sông Hậu, với các chủng loại cây đa dạng và phong phú. Thời gian qua do lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường gây ngập úng cục bộ một số vùng trồng cây ăn trái chủ lực của tỉnh, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây với các nguyên nhân sau:
      - Khi bị nước ngập, cây sẽ thiếu oxy, phá vỡ tiến trình hô hấp bình thướng của rễ, từ đó sẽ tích lũy chất độc gây hại trên tế bào rễ, đặc biệt là vùng lông hút của rễ, làm cho lông hút bị chết và không hình thành được rễ mới. Cây sẽ không hấp thu được nước cũng như các khoáng chất cần thiết cho quá trình trao đổi chất, cây sẽ chết dần và không có khả năng phục hồi.
    - Nếu trường hợp nước ngập lâu trong vườn cây ăn trái, sẽ làm phá hủy lớp vỏ rễ bên ngoài, tạo điều kiện cũng là con đường cho vi khuẩn và nấm xâm nhập dễ dàng vào bên trong rễ gây hiện tượng thối rễ dẫn đến cây chết.
     Sau các đợt ngập úng, vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng nặng liên quan đế tình trạng sinh trưởng: Cây còn nhỏ, cây đang thời kỳ ra đọt non, đang ra hoa hoặc cây đang trong giai đoạn phát triển mạnh (cành lá sum suê).


Vườn Sầu riêng đang bị ngập úng                                Gia cố đê bao bị vỡ

 

     Để khắc phục kịp thời vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng do ngập lụt một số giải pháp khuyến cáo như sau:
    - Cần gia cố ngay các đê bao bị vỡ cục bộ, hạn chế ngập cho các đợt triều cường sau trên các vườn bị ảnh hưởng trước đó.
    - Khẩn trương khai thông cống rảnh xung quanh vườn, có thể xẻ thêm rảnh phụ giữa liếp, xới xáo phá váng trên lớp đất mặt bằng dụng cụ có thể (cuốc, cào 3 răng,…) giúp cho việc thoát nước nhanh chóng nhất. Tạo cho đất thoáng khí và ôxy có điều kiện đi vào trong đất để cây trồng trao đổi chất giải phóng khí độc, cây ra rễ mới giúp cho tiến trình hô hấp hoạt động tốt hơn.
    - Tỉa bỏ các cành sâu bệnh, cành vô hiệu, cành chết; Nếu trường hợp cây bị ảnh hưởng nặng nên tỉa bỏ hết hoa, trái non hoặc tỉa toàn bộ trái (thu hoạch trái sớm), tỉa bỏ bớt cây có cành sum suê. Cây còn nhỏ có thể che bớt nắng.
    - Tiến hành quét vôi quanh thân cây độ cao khoảng 0,5 -1,5m (tùy theo giai đoạn sinh trưởng) tính từ mặt đất để phòng ngừa các loại nấm bệnh xâm nhiễm gây hại.
    - Về phân bón: do rễ bị tổn thương cần chọn các dạng phân bón giúp rễ mau phục hồi có thể là hỗn hợp phân DAP với phân kali theo tỷ lệ: 2 DAP và 1 kali (DAP: KCl là 2:1), hoặc hỗn hợp các loại phân đơn theo tỷ lệ: 1 kg urê + 4 kg phân lân + 1 kg kali (lượng phân bón áp dụng theo qui trình kỹ thuật bón phân cho từng loại cây trồng), nên sử dụng các liệu rơm, rạ,.. che phủ gốc sau khi bón phân. Ngoài ra có thể bón vôi cho cây với liều lượng từ 200g đến 400g/gốc tùy theo tuổi cây và loại cây; bón thêm phân chuồng hoai mục hoặc tro, trấu để đất tơi xốp thoáng khí. Có thể phun các loại phân bón qua lá có chứa N, P, K chủ yếu là phân bón lá có chứa nhiều lân, các dạng phân chứa hàm lượng hữu cơ cao K-humat, Humic,…giúp cây mau ra rễ mới và phục hồi nhanh chóng.
   -  Xử lý thuốc BVTV: nên tiến hành sử dụng nấm đối kháng Trichoderma và các loại thuốc trừ nấm vùng rễ, nhằm ngăn chặn nấm gây hại cho bộ rễ, điển hình là nấm phytophthora, Fusarium… một số loại thuốc khuyến cáo: Curzate, Ridomil, Aliette, Metalaxyl hoặc thuốc gốc đồng gồm có: Coperzine, Coc85, Kocide, Champion, Funguran, Bordeaux... phun quanh gốc.
*Lưu ý:
      - Tuyệt đối không sử dụng các dạng sản phẩm kích thích ra hoa, ra đọt non… trong giai đoạn này. Lúc này cần giúp cho cây mau phục hồi, đặc biệt là giúp cây mau ra rễ mới.
      - Sau ngập lũ, đất sẽ được cung cấp một lượng phù sa nhất định, nhưng cũng mất đi một lượng dinh dưỡng (rữa trôi). Vì thế sau khi cây đã phục hồi hoàn toàn, cần chăm sóc và bổ sung các loại phân bón theo yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cây, nên bổ sung phân vi lượng cho vườn cây ăn trái bằng cách phun một số loại phân bón lá có chứa vi lượng.
     - Quản lý cỏ dại hợp lý không nên diệt sạch cỏ mà chỉ cắt thấp khi cỏ phát triển cao trong vườn và cỏ dại cũng giúp cho tầng đất sâu mau khô ráo hơn.

                                                                                          Nguyễn Thị Lùng
                                                                               Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật

Tin khác
1 2 3 
Tin mới