Các biện pháp quản lý Rầy chổng cánh trên cây Cam sành

Hằng năm, vào mùa mưa khi cam sành bắt đầu ra đọt non hoặc trổ bông là lúc rầy chổng cánh (Diaphorina citri Kuwayama) xuất hiện và gây hại, đây được xem là đối tượng côn trùng gây hại nguy hiểm nhất trên cây có múi nói chung và cây cam sành nói riêng.

 

Cả thành trùng và ấu trùng đều gây hại ở cả 2 hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Hình thức trực tiếp, chúng tập trung chích hút nhựa của chồi non, lá non, trái non làm nó bị khô héo, các lá phía dưới bị vàng và quăn queo.

 

Hình thức gián tiếp rầy còn truyền vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây bệnh vàng lá Greening cho nhóm cây cam, quít, đây là một loại dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng làm cho nhiều vườn cam bị tiêu diệt. Biểu hiện đặc trưng của bệnh vàng lá greening là phiến lá bị hẹp lại, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá có màu vàng, nhưng gân lá vẫn có màu xanh, lá nhỏ và mọc thẳng đứng. Nếu cây bị bệnh trái thường nhỏ, không có giá trị thương phẩm. Triệu chứng xuất hiện đầu tiên chỉ trên một vài nhánh của cây bị bệnh, sau đó lây lan nhanh khắp vườn. Bệnh nặng làm cành chết  khô, và cuối cùng là chết toàn cây.



Rầy chổng cánh môi giới truyền bệnh vàng lá Greening

Đặc điểm và hình thái và sinh học:

 

Rầy chổng cánh sinh trưởng và phát triển trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau, rầy trưởng thành có thể tồn tại được ở nhiệt độ lạnh – 40C và cả vùng khí hậu nóng và khô.

Đây là loài rầy rất nhỏ, thành trùng dài từ 2-3 mm, ít bay nhảy, có cánh dài, màu xám đen với vệt trắng lớn chạy từ đầu đến cuối cánh, lúc đậu cánh và bụng nhô cao hơn khỏi đầu tạo thành một đường xiên so với mặt phẳng đậu một góc 30-450.

 

Trứng rất nhỏ, màu vàng, hình bầu dục, dài khoảng 0,3 mm có đầu nhọn và được đẻ đính thẳng vào mặt lá non thành từng chùm từ 3-5 cái, hoặc đôi khi đẻ rải rác trên chồi. Vòng đời của rầy chổng cánh từ 28-32 ngày, trong điều kiện dinh dưỡng tốt lên đến 42 ngày và có thể có từ 12-14 thế hệ/năm. Trưởng thành sau vũ hóa 4-5 ngày sẽ bắt cặp. Trứng được đẻ vào ban ngày, con cái đẻ khoảng 200-800 trứng, thời gian ủ trứng từ 3-7 ngày, ấu trùng có 5 tuổi, phát triển trong thời gian từ 18-25 ngày.

 

Rầy tạo mật độ cao vào đầu mùa mưa (từ tháng 02 đến tháng 5 và từ tháng 7 đến tháng 12 trong năm) là lúc cây ra lá non và trổ hoa.

 

Rầy chổng cánh xuất hiện trên cây trồng khi có chồi non, nếu ký chủ chính như cam, quít, bưởi ... không có chồi non thì rầy di chuyển sang các ký chủ phụ như nguyệt quế, cằng thăng để duy trì mật số.

 

Các biện pháp quản lý Rầy chổng cánh:

- Biện pháp canh tác:

+ Loại bỏ nguồn bệnh ra khỏi vườn;

+ Trồng cây chắn gió xung quanh vườn để hạn chế sự tái xâm nhiễm của Rầy chổng cánh từ nơi khác đến, vì gió cũng có ảnh hưởng đến sự phát tán và di chuyển của rầy trưởng thành;

+ Trồng xen ổi Xá lỵ trong vườn trước khi trồng cam sành từ 2-6 tháng;

+ Trồng cây sạch bệnh, có bảo vệ khi vận chuyển và xử lý thuốc trước khi vận chuyển cũng như trồng cây ra vườn;

 

+ Tỉa cành và bón phân hợp lý để điều khiển các đọt non ra tập trung.

+ Không nên trồng các loại cây hấp dẫn họ cam quýt như Nguyệt quế, Cần thăng, Kim quýt gần vườn cam, quýt.

 

+ Áp dụng các quy trình tỉa cành tạo tán theo kỹ thuật tiên tiến để cho cây được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

+ Thường xuyên thăm vườn, nếu phát hiện có cây nhiễm bệnh cần loại bỏ ra khỏi vườn ngay lập tức.

+ Trồng thưa với khoảng cách (4 x 4) m đối với cam sành; (2 x 2) m đối với cây ổi; tỷ lệ xen kẽ 1cam: 1 ổi.

 

- Biện pháp sinh học:

+ Tạo điều kiện cho thiên địch trong vườn phát triển như kiến vàng, các loại Ong ký sinh, ấu trùng bọ rùa, ấu trùng bọ cánh lưới, ruồi ăn mồi.

Ngoài ra còn có một số loài nhện hiện diện trong vườn cũng làm giảm mật số rầy chổng cánh một cách đáng kể; chủ yếu thuộc các họ Oxyopidae, Lilyphiidae, Salticidae, Therdiosomatidae, Thimisidae ...

 

+ Phun dầu khoáng khi thấy đọt non ra dài từ 5mm – 10mm, khoảng 2% số cây trên vườn ra đọt non, mỗi đợt phun 2 lần, loại dầu khoáng có thể sử dụng là SK Espray 99EC theo liều lượng khuyến cáo. Trước khi phun dầu khoáng thì vườn cây phải được tưới nước ngày hôm trước.

+ Sử dụng các loại thuốc sinh học như Abamectin, Ebamectin, chất chiết xuất từ tỏi, dầu Neem, nấm ký sinh, vi khuẩn Bacillus thuringiensis và các chất xua đuổi khác.

+ Dùng bẫy màu vàng để theo dõi rầy chổng cánh, mỗi vườn nên đặt ít nhất 5 bẫy để theo dõi (4 bẫy ở 4 gốc và 1 bẫy ở giữa vườn). Khi phát hiện rầy chổng cánh bay vào bẫy vàng thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị.

 

- Biện pháp hóa học:

+ Tưới thuốc lưu dẫn xung quanh gốc cây theo liều lượng khuyến cáo, như gốc Clothianidin, Thiamethoaxam, Imidacloprid.

Cách tưới: Dùng cào răng cưa, cào nhẹ lớp đất mặt xung quanh gốc cây, cách gốc 10cm, tới tầng rễ cám (rễ mềm); tưới thuốc BVTV xung lớp đất cào; ốp đất lại nơi vừa tưới;

+ Phun một số thuốc trừ rầy thông thường, lúc cây vừa ra đọt non.

Thu Hà

Tin khác
1 2 3 
Tin mới