Hiệu quả từ mô hình nuôi kết hợp cá thát lát cườm với cá sặc rằn

         Để nâng cao thu nhập, giúp cải thiện đời sống cho người nuôi thì việc đa dạng hóa đối tượng nuôi là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với bà con nông dân ở vùng nuôi cá lóc kém hiệu quả. 

Cá thát lát cườm nuôi kết hợp với cá sặc rằn

         Từ nguồn kinh phí Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp sinh kế bền vững vùng Đồng Bằng sông Cửu Long (ICRSL). Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện mô hình cá thát lát cườm kết hợp cá sặc rằn với qui mô 0,9 ha /9 hộ/3 điểm; mật độ thả nuôi cá thát lát cườm 8 con/m2, cá sặc rằn 2 con/m2 trên địa bàn xã Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu huyện Trà Cú. Dự án ICRSL hỗ trợ 50% con giống, thức ăn, dụng cụ đo môi trường và men tiêu hóa, ngoài ra dự án còn hỗ trợ 12 lớp tập huấn kỹ thuật (4 lần/lớp), 03 cuộc hội thảo đầu bờ, 03 cuộc tổng kết đánh giá mô hình, 06 lớp tập huấn nhân rộng. Đồng thời, cử 02 cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi hỗ trợ người dân trong suốt thời gian nuôi. Mô hình thực hiện với mục đích không chỉ là đa dạng hóa đối tượng vật nuôi mà còn thực hiện theo hướng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi, đặc biệt có thể tận dụng các ao nuôi cá lóc, cá tra kém hiệu quả, tận dụng thời gian nhàn rỗi, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tăng năng suất, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích. 

Hội thảo đánh giá mô hình

         Đến nay, cá nuôi được 4,5 tháng, trọng lượng bình quân cá thát lát cườm 200gr/con, tỷ lệ sống đạt 85%; cá sặc rằn 55gr/con, tỉ lệ sống đạt 85% và hệ số thức ăn FCR: 1. Vừa qua, tại xã  Lưu Nghiệp Anh và An Quảng Hữu huyện Trà Cú, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tổ chức 3 cuộc hội thảo đánh giá nhân rộng mô hình cho khoảng 150 đại biểu là nông dân tham gia mô hình, các hộ lân cận trong khu vực, cán bộ kỹ thuật, đại diện Dự án ICRSL tại Trà Vinh tham dự. Uớc sau 8 tháng nuôi: Tỉ lệ sống cá thát lát là 70%, kích cở thu hoạch cá thát lát cườm là 400g/con, năng suất cá thát lát cườm 22,4 tấn/ha và tỉ lệ sống cá sặc rằn 80 %, trọng lượng bình quân 100 g/con, ước năng suất cá sặc rằn 1,6 tấn/ha. Với giá bán cá thát lát cườm 55.000 đồng/kg và cá sặc rằn 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/ha cao hơn so với nuôi đơn và sử dụng thức ăn tự chế 10% - 15%. Kết quả đạt được là do người nuôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của cán bộ hướng dẫn như: cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật, chọn giống kích cở lớn và đồng đều, quản lý môi trường ao nuôi định kỳ sử dụng men vi sinh cải thiện chất lượng nước ao, theo dõi thường xuyên tốc độ phát triển của cá, sử dụng thức ăn công nghiệp đủ chất và lượng nên giảm chi phí sản xuất. Nuôi ghép cá sặc rằn trong ao tận dụng thức ăn dư thừa và chất thải nên ít sử dụng thuốc và hoá chất hạn chế ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

         Mô hình nuôi cá thát lát cườm kết hợp với cá sặc rằn trong ao sử dụng bằng thức ăn công nghiệp được các đại biểu và cán bộ kỹ thuật và Dự án ICRSL Trà Vinh đánh giá đạt hiệu quả cao và phù hợp thực tế, cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Ks. Lê Thị Trang Đài

     Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh

Tin mới