Ứng dụng công nghệ 4.0 vào nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao

         Trà Vinh thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm bioga xử lý môi trường” năm 2022 từ nguồn kinh phí dự án khuyến nông trung ương giai đoạn 2020 – 2022.

Lãnh đạo trung tâm KNQG kiểm tra mô hình

         Dự án được thực hiện trên diện tích 2ha/2 hộ; mỗi hộ 1 ha, bao gồm 1 ao ương, 2 ao nuôi mỗi ao nuôi diện tích 1.500 m2 , diện tích còn lại là hệ thống ao lắng và ao xử lý nước thải, ao chứa thải; ao ương và ao nuôi được che phủ lưới với độ che nắng 65%. Trong ao ương, ao nuôi có lắp đặt đầy đủ hệ thống siphon, quạt nước và sục oxy đáy. Điểm đặc biệt của dự án là cả 2 ao nuôi đều được lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động và hầm bioga. Đây là hệ thống có chức năng giám sát tự động các chỉ tiêu chất lượng nước trong ao nuôi gồm ôxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH, độ mặn; các chỉ số này nếu vượt ngưỡng cho phép hệ thông tự động gửi cảnh báo các thông số môi trường qua điện thoại thông minh để người nuôi kịp thời xử lý; đồng thời, lưu trữ, phân tích và truy xuất dữ liệu lịch sử vụ nuôi thường xuyên. Đối với hầm bioga chứa các chất thải xi phong từ ao nuôi từ đó hạn chế được ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra khí đốt người dân sử dụng thay thế ga hàng ngày tại trại nuôi.

         Hai hộ tham gia dự án thực hiện mô hình thả nuôi với mật độ 200 con/m2 , áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn. Sau gần 72 ngày nuôi, tôm nuôi đạt kích cỡ bình quân 55,5 con/kg, sản lượng thu hoạch 10,162 tấn, tương đương năng suất đạt 34,64 tấn/ha/vụ. Với giá bán bình quân 118 ngàn đồng/ kg, sau khi trừ chi phí mô hình cho lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng, tương đương 1 – 1,5 tỉ đồng/ha/vụ.

         Theo hộ tham gia dự án, mô hình thành công các hộ tuân thủ quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn, đã được cán bộ khuyến nông tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, trong tháng nuôi đầu tiên tôm được ương nuôi hoàn toàn trong nhà kính nên việc quản lý, chăm sóc tốt hơn so với ao nuôi; tỉ lệ sống giai đoạn ương đạt 100%. Từ tháng nuôi thứ 2 trở đi, tôm được đưa ra 2 ao nuôi. Ở giai đoạn này, do tôm giống thả nuôi có kích cỡ lớn, cộng với quy trình chăm sóc được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt, tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi được kiểm soát tự động, dữ liệu được tích hợp vào phần mềm quản lý và đưa ra các cảnh báo kịp thời khi vượt ngưỡng cho phép nên tôm nuôi phát triển tốt, tỉ lệ sống bình quân đạt trên 94%, theo các hộ nuôi lân cận và những vụ nuôi trước của hộ tham gia mô hình việc đo các chỉ tiêu môi trường trong ao nuôi đều được thực hiện định kỳ bằng các bộ test kit như đo pH 2 lần/ngày, đo oxy hòa tan 1 lần/ ngày... nên nhiều khi không phát hiện kịp thời sự biến động để xử lý. Nhưng với hệ thống quan trắc tự động này,  chỉ cần 1 chỉ tiêu nào đó vượt ngưỡng thì hộ nuôi đã nhận được cảnh báo qua điện thoại để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Vì thế giảm được công lao động, môi trường biến đổi kịp thời xử lý từ đó hạn chế được dịch bệnh. Mặt khác dự án còn sử dụng hầm bioga xử lý chất thải từ ao nuôi vì thế hạn chế được ô nhiễm môi trường xung quanh cũng như khu vực nuôi.

         Theo kỹ sư Nguyễn Văn Phùng, chủ nhiệm dự án nghiên cứu “xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm bioga xử lý môi trường” trong nuôi tôm cho biết, trong những năm qua, nuôi tôm đã trở thành thế mạnh và con tôm được tỉnh Trà Vinh xác định là một trong những con nuôi chủ lực tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao đã được người nuôi tôm áp dụng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị và đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường ao nuôi ngày càng suy giảm... đã làm tôm nuôi chậm lớn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, khiến người nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề. Để giảm dịch bệnh, gia tăng tỉ lệ thành công trong nuôi tôm thì việc ổn định chất lượng nước là chìa khóa để thành công. Muốn ổn định được chất lượng nước, thì trước hết người nuôi cần phải theo dõi và giám sát. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng cách thông thường là đo bằng các test kit, thực hiện 1 - 2 lần trong ngày hay trong tuần thì sẽ không đảm bảo được sự an toàn cho tôm nuôi. Do vậy, cùng với việc hoàn thiện quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn phù hợp với thực tế địa phương thì việc ứng dụng các công nghệ số, có khả năng giám sát liên tục các chỉ tiêu chất lượng nước quan trọng, có tốc độ biến đổi nhanh và đưa ra cảnh báo kịp thời là hết sức thiết thực.

Tập huấn nhân rộng mô hình

         Hệ thống giám sát và cảnh báo chất lượng nước được kết nối wifi và phần mềm theo dõi điều khiển trên điện thoại thông minh và máy tính với thời gian cập nhật dữ liệu là 2 phút/lần. Các dữ liệu này sẽ được cập nhật lên điện toán đám mây, giúp người nuôi tôm giám sát từ xa thông qua các thiết bị di động thông minh như điện thoại, ipad, máy tính bảng. Dữ liệu sẽ được so sánh với ngưỡng cho phép được cài đặt sẵn để thực hiện cảnh báo. Thông qua hệ thống giám sát và cảnh báo chất lượng nước, các yếu tố môi trường trong ao nuôi được quan trắc liên tục suốt ngày đêm, điều mà con người không thể làm được. Nhờ đó, có thể cảnh báo kịp thời cho người nuôi tôm, Ngoài ra hầm bioga xử lý được chất thải góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường nước, hạn chế rủi ro dịch bệnh, đây cũng là mô hình từng bước ứng dụng công nghệ số vào nuôi tôm, là khâu then chốt để nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả và bền vững, cần tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Phùng

 

Tin mới