Xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng chống thiên tai
Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế-xã hội[[i]].

Hội thảo Xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng chống thiên tai

khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

 

         Có rất nhiều loại thiên tại được đưa vào Luật Phòng, chống thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần,…

         Hàng năm, tại Việt Nam, thiên tai gây thiệt hại rất lớn về người và của. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong hai mươi năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 1-1,5%. Năm năm gần đây nhất, thiên tai làm chết và mất tích 1.161 người, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 134.859 tỷ đồng (năm 2015: 154 người, khoảng 8.133 tỷ đồng; năm 2016: 264 người, khoảng 39.726 tỷ đồng; năm 2017: 386 người, khoảng 60.000 tỷ đồng; năm 2018: 224 người, 20.000 tỷ đồng; năm 2019: 133 người, khoảng 7.000 tỷ đồng).

Sạt lở do triều cường (Ảnh: Trần Văn Sao)

 

         Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên phải ứng phó với lũ lớn, ngập lụt, nước dâng, xâm ngập mặn, hạn hán, sạt lở, dông, lốc, sét, bão,… Trận lũ năm 2000 làm 482 người chết và mất tích, tổng thiệt hại ước tính trên 3.900 tỷ đồng. Tiếp theo lũ năm 2001: 394 người, thiệt hại ước trên 1.500 tỷ đồng; lũ năm 2011: 89 người, thiệt hại ước trên 4.400 tỷ đồng; bão Linda năm 2017: hơn 3.000 người chết và mất tích,… Riêng tỉnh Trà Vinh, những năm gần đây thiệt hại thiên tai chủ yếu do hạn mặn, như: hạn mặn 2015-2016 và hạn mặn năm 2019-2020[[i]].

         Truyền thông là một thành tố quan trọng để ứng phó giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Vai trò của truyền thông nhằm hỗ trợ chia sẻ, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng. Huy động sự tham gia, tăng cường khả năng chuẩn bị phòng ngừa ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu những rủi ro về người và tài sản. Công tác truyền thông còn bất cập là một trong những nguyên nhân làm cho thiên tai gây thiệt hại nặng. Cụ thể, chưa có chiến lược/kế hoạch truyền thông tổng thể dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để đạt các mục tiêu cụ thể; chưa có sự tham gia hiệu quả của các nhóm người dân dễ bị tổn thương (người dân tộc ít người, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật),…

         Ứng phó thiên tai là “phải chuẩn bị lâu dài để ứng phó tức thời”. Vì vậy, Tổng Cục Phòng chống thiên tai kết hợp Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo Xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng chống thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ngày 25/6/2020, tại thành phố Cần Thơ). Mục đích hướng dẫn các tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch tăng cường thông tin, truyền thông nhằm thay đổi về nhận thức phòng chống thiên tai, thay đổi cách thức truyền thông cung cấp thông tin một chiều như hiện nay. Tập trung nhiều hơn cho những đối tượng dễ bị tổn thương, xác định lấy trẻ em là trung tâm - cụ thể là học sinh các cấp. Giáo dục cho trẻ em nhận thức Việt Nam là đất nước thường xuyên xảy ra thiên tai và phải luôn chủ động phòng chống.

         Với mục đích trên, tại Hội thảo, đại biểu mỗi tỉnh tham dự (gồm các ngành: nông nghiệp, y tế và giáo dục) phải xây dựng dự thảo “Khung kế hoạch truyền thông về phòng chống thiên tai” cho từng tỉnh trình bày trong Hội thảo, sau đó hoàn thiện gửi về Tổng Cục phòng chống thiên tai góp ý trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện. Yêu cầu đặt ra cho “Khung kế hoạch truyền thông về phòng chống thiên tai” là phải xác định được các loại thiên tai xảy ra tại tỉnh để từ đó xây dựng công tác truyền thông một cách sát thực, lâu dài. Mỗi loại thiên tai phải được truyền thông khác nhau để nâng cao kiến thức cho người dân về phòng, chống. Cần đưa ra được giải pháp truyền thông cho đối tượng là trẻ em và đưa ra được “slogan-khẩu hiệu” ngắn chứa đựng thông điệp mang tính mô tả và thuyết phục về phòng chống thiên tai.

         Thiên tai xảy ra con người phải chấp nhận, nhưng có thể giảm thiệt hại do thiên tai gây ra thông qua kế hoạch chủ động phòng chống, kế hoạch truyền thông hiệu quả.  Với cách làm mới của Tổng Cục phòng chống thiên tai, hy vọng công tác truyền thông sẽ mang lại hiệu quả tích cực phòng chống thiên tai, huy động được sức mạnh cộng đồng và nâng cao ý thức chủ động phòng chống thiên tai của người dân[[i]].

 

Tài liệu tham khảo:

[[1]] Khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống thiên tai (2013).

[[1]] Trong đợt hạn mặn này, tính thiệt hại trên 600 tỷ đồng (Nguồn: Văn Vĩnh, 2016, http://cand.com.vn/doi-song/Vinh-Long-Tra-Vinh-thiet-hai-722-ti-do-han-man-386716/, truy cập ngày 29/6/2020);  UBND tỉnh hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng cho các hộ bị thiệt hại (Nguồn: Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+), 2020, Trà Vinh hỗ trợ hơn 40 tỷ khôi phục sản xuất sau thiệt hại do hạn mặn. https://www.vietnamplus.vn/tra-vinh-ho-tro-hon-40-ty-khoi-phuc-san-xuat-sau-thiet-hai-do-han-man/648346.vnp, truy cập ngày 28/6/2020)

[[1]] Bài viết sử dụng thông tin, số liệu tại Hội thảo Xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng chống thiên  tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long  (25/6/2020).

Tác giả bài viết: Trần Văn Đoái


Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 131
  • Trong tuần: 5 722
  • Tất cả: 427490