Thực hiện tốt quyền công dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW “Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026” và ngày 17/11/2020, Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14, quyết định tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. 

         Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 133/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) ban hành Kế hoạch số 02-KH/TU, ngày 22/01/2021 “Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026”. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh, nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng, củng cố, hoàn thiện bộ máy Nhà nước các cấp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Theo quy định của pháp luật([1]) và kết quả hiệp thương lần thứ I, tỉnh Trà Vinh sẽ bầu 06 đại biểu Quốc hội khoá XV; 50 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 291 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và  2.735 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026.

         Để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, mọi người dân trong tỉnh cần hiểu biết một số nội dung liên quan đến bầu cử.

         Trước hết, quyền bầu cử là quyền hiến định, được quy định trong Hiến pháp([2]) và được cụ thể hoá trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Theo đó, Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tính đến ngày bầu cử được công bố([3]) (ngày 23/5/2021).

         Thứ hai về nguyên tắc lập danh sách cử tri([4]): Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp người bị tước quyền bầu cử quy định. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

         Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

         Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nêu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

         Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

         Thứ ba, những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri([5])

         Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Các trường hợp này nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định.

         Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

         Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

         Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

         Thứ tư, thẩm quyền lập danh sách cử tri; niêm yết danh sách cử tri và khiếu nại về danh sách cử tri([6])

         - Thẩm quyền lập danh sách cử tri: Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu. Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.

         - Niêm yết danh sách cử tri: Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử (ngày 13/4/2021), cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

         - Khiếu nại về danh sách cử tri: Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết  (từ ngày 13/4 đến 13/5/2021), công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

         Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

         Thứ năm,  việc tổ chức tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử: Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất là 10 cuộc, đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh ít nhất là 05 cuộc, đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ít nhất là 03 cuộc([7]) Vì vậy, trong thời gian các ứng cử viên thực hiện vận động bầu cử, cử tri cần tham gia các cuộc tiếp xúc với ứng cử viên tại hội nghị để nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử, đồng thời, cũng là cơ hội để lựa chọn chính xác những người mình tín nhiệm để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vì vậy, mọi cử tri đều có quyền tham dự.

          Thứ sáu, việc bỏ phiếu phải đảm bảo đúng nguyên tắc theo luật định([8]). Khi còn 10 ngày trước ngày bầu cử (ngày 13/5/2021). Tổ bầu cử có trách nhiệm thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu và thời gian bỏ phiếu. Thông báo được thực hiện bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương([9]).

         - Thời gian bỏ phiếu([10]): Cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối ngày Chủ Nhật - 23/5/2021. Tuy nhiên, tuỳ tình hình thực tế ở địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn, nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không quá 10 giờ đêm. Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra thùng phiếu trước sự chứng kiến của cử tri để bảo đảm tính công khai, khách quan và thực hiện nguyên tắc Nhân dân kiểm tra. Đây cũng là hình thức để cử tri trực tiếp giám sát cuộc bầu cử. Sau khi kiểm tra thùng phiếu (không có gì ở bên  trong), thùng phiếu được niêm phong bằng dấu của Tổ bầu cử, thì cuộc bỏ phiếu mới được bắt đầu.

         Việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc trực tiếp và bỏ phiếu kín([11]). Để thực hiện đúng nguyên tắc này, mỗi cử tri phải tự mình đi bầu, trực tiếp viết phiếu bầu và bỏ phiếu vào thùng phiếu. Cử tri không được bầu bằng cách gửi thư hoặc nhờ người khác bầu thay. Thực tế cho thấy, trong các lần bầu cử trước đây, tình trạng một người bỏ phiếu hộ nhiều người, cả gia đình chỉ có một người “đại diện” bỏ phiếu vẫn còn; tâm lý của một số thành viên Tổ bầu cử muốn cuộc bỏ phiếu kết thúc nhanh gọn nên cũng làm lơ. Vì vậy, muốn khắc phục tình trạng này cần nâng cao ý thức trách nhiệm từ hai phía cử tri và thành viên Tổ bầu cử. Đối với các trường hợp cử tri do ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu; nếu không tự mình viết được phiếu bầu thì được phép nhờ người khác viết hộ, nhưng cử tri phải tự bỏ phiếu vào thùng phiếu. Trong trường hợp vì lý do sức khỏe, tàn tật mà cử tri không thể tự bỏ phiếu thì được phép nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu.

         Mỗi cử tri được phát một Thẻ cử tri. Tại khu vực bỏ phiếu, cử tri xuất trình thẻ cử tri và được Tổ bầu cử phát phiếu bầu cử theo mẫu quy định, có đóng dấu của Tổ bầu cử. Khi cử tri đã bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri. Khi đã hết giờ bỏ phiếu, nếu còn cử tri ở phòng bỏ phiếu mà chưa kịp bỏ phiếu thì chỉ sau khi số cử tri này bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử mới được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu.

         Để cho cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh đạt kết quả theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (Kế hoạch số 02-KH/TU, ngày 22/01/2021), các tổ chức phụ trách bầu cử và mọi công dân phải hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về bầu cử.


         ([1]) Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14, ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khoá XV và Luật số 47/2019/QH14, ngày 22/11/2019 của Quốc hội khoá XIV Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

         ([2]) Điều 27, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2013.

         ([3]) Điều 2, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

         ([4]) Điều 29, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

         ([5]) Điều 30, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

         .([6]) Điều 31, 32 và 33 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

         ([7]) Điểm 4.6 mục 4 phần II Thông tri số 13/TT-MTTW-BTT ngày 19/01/2021 của Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam.

         ([8]) Điều 69 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015..

         ([9]) Điều 70 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015..

         ([10]) Điều 71 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

         ([11]) Điều 1 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. 

                                                                                                                                                                                          Trần Bình Trọng 

Chủ tịch Liên hiệp các Hội  Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh

.

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 73
  • Trong tuần: 1 147
  • Tất cả: 433637