Vi phạm hành chính về chăn nuôi có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng
Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi, tại điểm a khoản 3 Điều 37 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực nuôi thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi. Nghị định số 14/2021/NĐ-CP, gồm 4 chương và 48 điều, quy định cụ thể xử phạt: Vi phạm quy định về giống vật nuôi, Vi phạm về thức ăn chăn nuôi, Vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi và Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.

Chăn nuôi trang trại tại Trà Vinh

         Một số nội dung đáng chú ý của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP:

         - Theo khoản 2 Điều 24, chăn nuôi nông hộ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi. Chăn nuôi nông hộ là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tại hộ gia đình (khoản 3 Điều 2 của Luật Chăn nuôi), dưới 10 đơn vị vật nuôi (điểm d khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi). Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống (khoản 1 Điều 53 của Luật Chăn nuôi). Để chuyển đổi (hệ số) đơn vị vật nuôi sang số (đầu) con áp dụng theo Phụ lục 5 kèm theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP. Thí dụ, 01 đơn vị vật nuôi đối với heo nái ngoại 02 con, heo dưới 28 ngày tuổi 63 con, gà công nghiệp hướng thịt 200 con, vịt hướng thịt 278 con, bò ngoại 01 con,… Khu vực không được phép chăn nuôi đó là khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư (khoản 1 Điều 12 của Luật Chăn nuôi).

Tài liệu tuyên truyền kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi gia súc gia cầm

của Cục Chăn nuôi

         - Vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học (khoản 3 Điều 27). Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (khoản 1 Điều 27). Và (nếu) sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định hoặc phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (khoản 2 Điều 27). Theo số liệu chưa đầy đủ, năm 2020 toàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 453 nhà yến của 380 hộ, tăng gần gấp đôi so với năm 2019 toàn tỉnh có 249 nhà yến của 229 hộ.

         - Vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi có thể sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án (điểm b khoản 4 Điều 28). Bên cạnh đó, hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi nông hộ (điểm a khoản 3 Điều 28). Một số chất cấm thường bị sử dụng như: Chất tăng trọng hay chất tạo nạc thuộc họ β- agonist (Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine,…), thuốc thú y: Chloramphenicol, Furazolido, Dipterex,… khi sử dụng chất cấm sẽ gây tổn hại về sức khỏe cho gia súc, gia cầm hoặc gây tổn hại về sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng thịt, sản phẩm gia súc, gia cầm có sử dụng chất cấm.

          - Vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn. Theo khoản 4 Điều 29, hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy theo khối lượng động vật vi phạm.

         - Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ, bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh (khoản 1 Điều 31).

Nghị định số 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2021, bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; điểm b khoản 7               Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y./.

Bài, ảnh: Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 43
  • Trong tuần: 1 197
  • Tất cả: 433403