Cầu Ngang tập trung thực hiện các giải pháp đột phá, tạo dấu ấn giữa nhiệm kỳ đại hội
Qua 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với quyết tâm xây dựng huyện Cầu Ngang đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Huyện ủy chỉ đạo các ngành, các cấp trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, đưa huyện Cầu Ngang về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2022, tạo dấu ấn quan trọng qua nữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội.

Đ/c Trần Thị Kim Chung, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu tại kỳ họp thứ 5 - HĐND huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026

Các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và xem đây là giải pháp trọng tâm, phải thực hiện thường xuyên, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, mà đặc biệt là huy động được sự chung tay, góp sức của Nhân dân trên địa bàn huyện trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đi đôi với công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức thiết thực để người dân hiểu rõ và nhận thức đúng vai trò chủ thể của mình, tham gia tích cực hơn trong công tác xây dựng nông thôn mới. Tập trung huy động các nguồn lực nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng - xã hội vùng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, chuẩn hóa hệ thống trường học, nhằm phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cải thiện bộ mặt nông thôn. 

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện liên kết hợp đồng các công ty (Công ty cổ phần giống cây trồng Miền Nam; Công ty Đại Dương Xanh và Việt - Thụy Sĩ) thu mua sản phẩm như lúa giống, lúa hữu cơ, bắp giống. Ngoài ra, các thương lái tại địa phương, ngoài tỉnh khi vào mùa vụ đến đặt hàng hợp đồng với người dân thu mua tại đồng ruộng các loại nông sản như: Dưa hấu, đậu phộng, tôm sú, tôm thẻ,… tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, xây dựng vùng sản xuất tập trung và phát triển các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện như: vùng trồng cây màu chủ lực (dưa hấu, đậu phộng) gồm: Long Sơn, Mỹ Long Bắc, Vinh Kim, Mỹ Long Nam, Mỹ Hòa; vùng nuôi thủy sản (tôm sú, tôm thẻ) tập trung gồm: Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Thạnh Hòa Sơn; vùng chăn nuôi có số lượng đàn bò lớn gồm: Long Sơn, Mỹ Long Bắc, Vinh Kim, Trường Thọ, Nhị Trường, Hiệp Hòa, Mỹ Hòa. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu (huyện có 10 sản phẩm được công nhận OCOP, năm 2022 tiếp tục đăng ký 14 sản phẩm), tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường và tăng cường củng cố, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho phát triển.

Nhằm tạo dấu ấn quan trọng qua nữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện trong năm 2023, các cấp, các ngành trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tạo bước đột phá trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương, tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp:

Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó chú trọng ngành nuôi trồng thủy sản trên diện tích 9.110 ha, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đang dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện với diện tích, sản lượng liên tục tăng hằng năm. Để nuôi trồng thuỷ sản thực sự phát triển mạnh, bền vững, huyện tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nuôi các đối tượng thuỷ sản có giá trị theo hướng tập trung, thâm canh để tạo sản phẩm hàng hoá, đồng thời áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi thủy sản để sản phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển đa dạng các loại hình thương mại - dịch vụ. Tiếp tục thực hiện công tác kêu gọi đầu tư vào Cụm Công nghiệp xã Hiệp Mỹ Tây để sớm đi vào hoạt động. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, lấy du lịch sinh thái biển Mỹ Long làm trung tâm để góp phần phát triển kinh tế của huyện.

Thứ hai, với nguồn lực sẵn có và tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn tỉnh, Trung ương; đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, thương mại,…; để kêu gọi đầu tư các dự án lớn trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả, đóng góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu (Vàm Lầu); Dự án công trình đê ven cửa sông Cổ Chiên bảo vệ khu dân cư thị trấn Mỹ Long với chiều dài 3.617m; Dự án kè chống sạt lở thị trấn Cầu Ngang và xã Thuận Hòa; nâng cấp đê quốc phòng thành tỉnh lộ 915B,...

Thứ ba, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; củng cố, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; xây dựng thêm 01 xã nông thôn mới nâng cao (xã Hiệp Hòa) và phấn đấu xây dựng 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu (xã Mỹ Long Bắc). Tiếp tục nâng chất các tiêu chí huyện nông thôn mới, tạo tiền đề xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong những năm tiếp theo. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề bức xúc xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nâng chất lượng y tế, nhất là tuyến cơ sở; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên người. Huy động các nguồn lực, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, xem đây là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện công tác giảm nghèo của huyện. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội.

Thứ tư, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh. Chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu "Diễn biến hòa bình" và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy. Xây dựng lực lượng Quân sự và Công an trên địa bàn huyện thật sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chuẩn bị tốt các nội dung tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện năm 2023. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra điểm nóng, vụ việc phức tạp làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đẩy mạnh cải cách giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm mới, niềm tin mới, quyết tâm mới, thắng lợi mới, Huyện ủy mong rằng cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện chung sức, đồng lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết năm 2023 của Huyện ủy đề ra, tạo dấu ấn qua nữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa huyện nhà phát triển nhanh và bền vững hơn, xây dựng quê hương Cầu Ngang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đ/c Trần Thị Kim Chung, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
 
Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 68
  • Trong tuần: 2 278
  • Tất cả: 3755534
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner