Nông thôn mới Cầu Ngang đánh dấu sự phát triển vùng quê
Để xây dựng thành công huyện nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cầu Ngang đã nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn, quyết tâm tập trung chỉ đạo thực hiện đạt các tiêu chí XDNTM. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. 

Có được kết quả này không chỉ là niềm vui, phấn khởi của riêng cán bộ, còn là niềm tự hào của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đánh dấu sự phát triển vùng quê nông thôn mới và hứa hẹn nhiều đổi thay. Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang: Trong thực hiện công tác quy hoạch, huyện tổ chức thực hiện kịp thời đúng quy định. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất được quan tâm đầu tư như giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, y tế, nhà văn hóa, công trình cấp nước tập trung,... đặc biệt kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng được củng cố, nâng cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất, tạo đà cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; thương mại, dịch vụ có bước chuyển biến tích cực; các lĩnh vực dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, tài chính ngân hàng… tiếp tục phát triển, phục vụ tốt nhu cầu xã hội. 

Công tác tổ chức sản xuất được quan tâm phát triển, có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động lĩnh vực nông nghiệp có hiệu quả, ổn định, góp phần quan trọng về kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên khá, giàu, đã hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, có nhiều mô hình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao như mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao… Đến nay, toàn huyện có 159 tổ hợp tác với 2.771 thành viên và 23 hợp tác xã với 1.216 thành viên, vốn điều lệ gần 20,8 tỷ đồng. 

Nông dân Sơn Ngọc Mạnh, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất lúa - tôm ấp Sóc Chuối, xã Hiệp Hòa cho biết: Tổ hợp tác hiện có 32 thành viên tham gia sản xuất gần 24ha. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên cũng như nông dân được địa phương tạo điều kiện liên kết sản xuất và bao tiêu với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện về các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân an tâm sản xuất. Ngoài ra, các thành viên và nông dân hướng dẫn quy trình canh tác lúa hữu cơ giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra. Với diện tích trên, các thành viên trong tổ sản xuất 01 vụ lúa - 01 vụ tôm hoặc 02 vụ tôm - 01 vụ lúa hữu cơ ST25. Đối với vụ tôm, nông dân thả nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng với hình thức quảng canh cải tiến và 01 vụ lúa. Đối với sản xuất lúa hữu cơ, năng suất bình quân đạt 05 tấn/ha, giá bán 8.500 đồng/kg, lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha. Qua hơn 01 năm hoạt động, đời sống của các thành viên tổ hợp tác nói chung, đồng bào Khmer nói riêng ngày càng nâng lên. Với 1,1ha đất sản xuất của gia đình, ông Mạnh hàng năm thả nuôi 01 vụ tôm sú - 01 vụ tôm. Đối với vụ tôm, ông thả nuôi 40.000 con tôm giống, sau thời gian nuôi từ 04 - 05 tháng, giá bán từ 85.000 - 220.000 đồng/kg tùy loại, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Khi kết thúc vụ tôm, ông trồng lúa ST25 sản xuất theo quy trình hữu cơ, năng suất đạt 05 tấn, lợi nhuận đạt 24 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Ngâu, thành viên tổ hợp tác trồng màu ở ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn cho biết: Tham gia tổ hợp tác ngoài được trang bị kiến thức kỹ thuật trồng màu và hỗ trợ các điều kiện về hệ thống tưới nước, màng phủ nông nghiệp,… bà được hỗ trợ vốn vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có điều kiện sản xuất hoa màu và chăn nuôi, bước đầu đạt kết quả khả quan. Bên cạnh đó, tham gia tổ hợp tác trồng màu, bà được tổ hợp tác tạo điều kiện cho thu hoạch ớt dần công với các tổ viên khác, nhờ vậy giảm khá nhiều chi phí đầu tư trồng ớt. Với 0,2ha đất trồng trọt, hàng năm bà trồng 01 vụ ớt chỉ thiên - 01 vụ lúa, lợi nhuận đạt từ 10 - 15 triệu đồng/0,1ha. Vụ màu năm nay, với 0,2ha ớt chỉ thiên tuy giá bán đầu vụ 30.000 đồng/kg, vào mùa thu hoạch rộ sụt giảm còn 20.000 đồng/kg, nhưng lợi nhuận ước đạt 15 triệu đồng/0,1ha. 

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh trong huyện không ngừng cải thiện, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi doanh nghiệp với những chính sách ưu đãi, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhiều doanh nghiệp thành lập mới đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động của huyện. Hiện trên địa bàn huyện có 4.351 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với 9.559 lao động. Giá trị công nghiệp tăng bình quân hàng năm khoảng 17,57%, năm 2022 ngành công nghiệp tăng trưởng khoảng 23,5%.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; công tác đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm thực hiện tốt, giảm nghèo đạt kết quả vượt bậc. Qua đó, huyện đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.011 căn nhà đại đoàn kết, trợ giúp 39.471 lượt học sinh nghèo hiếu học; thăm hỏi tặng quà vui xuân, cứu trợ về gạo, nhu yếu phẩm cho 185.600 lượt hộ nghèo, khám chữa bệnh miễn phí cho trên 100.000 lượt bệnh nhân nghèo và 216 giếng nước sạch với số tiền trên 79,3 tỷ đồng. Huy động nguồn lực tham gia đóng góp vào các công trình, dự án phúc lợi của địa phương; phối hợp vận động các chương trình an sinh xã hội trên 50 tỷ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông, nhà ở, hỗ trợ, cứu trợ đột xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Thực hiện hiệu quả các phong trào, mô hình xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với phát triển đô thị hóa theo quy hoạch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và XDNTM thông minh; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với XDNTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Phấn đấu đến năm 2025, có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đạt 76 triệu đồng/người/năm.

Có thể nói, XDNTM đã mang đến luồng sinh khí mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện và nâng cao. Sự no ấm, bình yên hiện hữu trong từng ngôi nhà. Đây là bước ngoặt cũng là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tại địa phương.

Thanh Nguyên

Bản đồ hành chính


image advertisement






Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 71
  • Trong tuần: 2 281
  • Tất cả: 3755537
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU NGANG
- Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang.
- Địa chỉ: số 09, đường 3/2, khóm Minh Thuận A, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
- Trưởng Ban Biên tập: ông Hồng Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện.
- Phó Trưởng ban Thường trực: ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Phó Trưởng ban.
- Điện thoại đơn vị quản lý: 02943.825.017, 02943.825.373. Điện thoại Thường trực Ban Biên tập: 02943.825.048.
- Địa chỉ tiếp nhận tin, bài, ảnh qua Email: bbtwebsite.caungang@travinh.gov.vn hoặc tham gia nhóm zalo: https://zalo.me/g/zheifb748.
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Ngang" khi phát hành lại thông tin từ website này


Chung nhan Tin Nhiem Mang

image banner