BÁC BỎ CÁI GỌI LÀ “VIỆT NAM KHÔNG TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”
         Việt Nam là một nước đa tín ngưỡng, tôn giáo. Theo thống kê Việt Nam có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới; hàng năm có hơn 8.000 lễ hội.

 

                                              

         Mỗi tôn giáo có đặc điểm lịch sử, du nhập, hình thành và phát triển khác nhau. Nhưng có điểm chung là gắn bó, đoàn kết đồng hành với độc lập dân tộc, với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực tiễn từ quá khứ đến hiện tại không có hiện tượng kỳ thị, xung đột tôn giáo; tín đồ tôn giáo có đời sống hướng thiện, xây dựng những giá trị sống, tương đồng cùng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tôn giáo ở Việt Nam được hình thành và phát triển tương đối đa dạng, cùng sinh sống đan xen với nhau, có những nơi tín đồ sống thành cộng đồng. Từ quá khứ đến hiện tại các tôn giáo cùng đồng hành với quốc gia dân tộc, đoàn kết chống chọi thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, đặc biệt chung sức, chung lòng thực hiện công cuộc đổi mới đất nước qua hơn 35 năm, hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, làm cho non sông, đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được Cơ đồ - Tiềm lực - Vị thế và Uy tín như ngày hôm nay, đó là những minh chứng, không ai có thể phủ nhận được, thuyết phục cả về mặt lý luận và thực tiễn trong đời sống xã hội. Điều này, chúng ta xem xét, đánh giá, phân tích, chứng minh qua các góc độ sau:

         1. Về mặt lý luận:

         Lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 93 năm qua (từ năm 1930 đến nay), Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ năm 1945 đến năm 1976) và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ năm 1976 đến nay). Đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác tôn giáo như:

         - Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003, của Ban Chấp hành Trung ương về “công tác tôn giáo”, được phổ biến, quán triệt rộng rãi đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003, của Ban Chấp hành Trung ương về “công tác tôn giáo”.

         - Các bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1988, 1992 và năm 2013). Tuy có nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhưng nội dung cốt lõi vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo là: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, quyền theo hoặc không theo tôn giáo. Cụ thể tại điều 24 của Hiến pháp năm 2013 qui định, trong đó: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

         - Ngày 16/11/2016 Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tại Luật số 02/2016/QH14, có 9 chương với 68 điều, Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 162-/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017, nghị định gồm 6 chương, 25 điều qui định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

         - Đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa với nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai học tập, tuyên truyền sâu rộng từ trong nội bộ đến rộng khắp các giai tầng đến các vùng miền trên cả nước.

         Như vậy, các văn bản trên đều phân định rõ ràng giữa quyền tự do tôn giáo với tự do thực hành tôn giáo, cho phép hạn chế quyền tự do thực hành tôn giáo theo pháp luật khi cần thiết nhằm bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe, đạo đức xã hội hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác. Quyền lựa chọn tôn giáo là tuyệt đối, còn quyền thực hành tôn giáo không phải là tuyệt đối.

         2. Về mặt thực tiễn đời sống xã hội:

                                        

         Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, các tín ngưỡng, tôn giáo luôn chung sống hòa hợp, gắn bó với dân tộc, đoàn kết bên nhau đấu tranh giành độc lập dân tộc, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cả 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hình thành một truyền thống tốt đẹp, yêu nước, đoàn kết xây dựng cuộc sống hòa bình, trong đó mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán và văn hóa khác nhau góp phần tạo nên bản sắc đa văn hóa của dân tộc Việt Nam.

         Những chủ trương chính sách tín ngưỡng, tôn giáo không phải chỉ được khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật hay trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng mà được thể hiện sống động trong cuộc sống hàng ngày. Cho đến nay, Nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân cho 16 Tôn giáo, 43 tổ chức Tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; với khoảng hơn 25,3 triệu tín đồ, chiếm 27% so dân số, 55.860 chức sắc, gần 134.000 chức việc, hơn 28.000 cơ sở thờ tự và sẽ tiếp tục xem xét cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

         Với số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, trường đào tạo, số lượng kinh sách được xuất bản của các tôn giáo tăng lên nhanh chóng, những hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng, hoạt động sôi động như hiện nay, là những minh chứng rõ nhất cho những thành tựu của việc tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Các tôn giáo dù ở bất cứ nơi đâu, không phân biệt không gian, thời gian, ở khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các tỉnh, các trung tâm tôn giáo lớn như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh… Sinh hoạt tôn giáo diễn ra sôi nổi, đa dạng và phong phú.

         Các ngày lễ trọng, lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin Lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo,…  Được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự. Đặc biệt lễ Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới.

         Nhìn, suy, xét về mặt lý luận và thực tiễn nêu trên, là những minh chứng, khách quan không ai có thể chối cãi và phủ nhận được, việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.

         3. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay tự do không tín ngưỡng, tôn giáo không có nghĩa là đứng trên pháp luật, coi thường pháp luật:

                                             

         Trong thời gian qua, cần phải thấy rằng không thể có tự do tôn giáo tuyệt đối. Bởi xét về bản chất, tôn giáo là một tổ chức tập hợp những người tin theo một đối tượng tôn thờ. Mọi tổ chức tồn tại, hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, tuân thủ quy định của pháp luật (ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới này), điều này hoàn toàn phù hợp với khoản 3, Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Do đó, việc ban hành các văn bản pháp luật để tiến hành quản lý nhà nước đối với các tôn giáo là nhu cầu tất yếu, khách quan của mọi quốc gia trên thế giới. Cần nhận thức rõ ràng rằng: Bên cạnh niềm tin vào tôn giáo, niềm tin vào pháp luật cũng là bổn phận của một công dân, đừng để một thế lực đen ý nào, lợi dụng vào tín ngưỡng niềm tin của mình, phải tỉnh táo đừng để bị kích động vi phạm pháp luật.

         4. Đấu tranh phản biện, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch:

         Tôn giáo là một trong những vấn đề được các thế lực thù địch lợi dụng nhằm kích động, gây rối, phá hoại, làm mất ổn định Chính trị - Xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Hiểu đúng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là cơ sở để nhận diện và đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn đó. Thực tế các thế lực thù địch không những không thừa nhận, mà còn xuyên tạc, kích động, chống phá. Chúng cho rằng, quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền bẩm sinh, không phụ thuộc vào văn hóa hay ý chí giai cấp, cộng đồng hay nhà nước; không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền bẩm sinh đó.

                                                       

         Với luận điệu trên, chúng ra sức xuyên tạc rằng, Việt Nam không có tự do tôn giáo; Nhà nước Việt Nam hạn chế, đàn áp tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bị vi phạm, bóp nghẹt. Chúng tìm mọi cách tuyên truyền làm cho nhiều người ngộ nhận rằng, tất cả các hoạt động tôn giáo đều được tự do, không chịu sự quản lý của pháp luật để cổ súy cho hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật nước ta.

         Trong “báo cáo tình hình nhân quyền thế giới”, của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (tháng 5/2022). Trong đó có những thông tin sai lệch về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với các góc nhìn phiến diện, dẫn chứng thiếu và không khách quan, báo cáo cho rằng: Chỉ trích chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử người dân theo đạo và không theo đạo, cho rằng, nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam về vấn đề dân tộc, tôn giáo không tương đồng với Công ước quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền con người. Thậm chí, báo cáo đưa ra những cái nhìn lệch lạc như “Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là bước thụt lùi về tự do tôn giáo”, “tạo ra cơ sở pháp lý để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo”, cho rằng Việt Nam đề ra chính sách pháp luật nhưng trên thực tế “không thực hiện”,… Đây không phải là lần đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố các báo cáo có nội dung sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

         Đối với Việt Nam, các thế lực cực đoan, chống đối luôn tìm mọi thủ đoạn để tách rời tôn giáo ra khỏi sự quản lý của nhà nước, cốt để dễ dàng lợi dụng các tôn giáo vào những mục đích chống phá. Đứng trên lập trường quan điểm toàn diện, khách quan, trung thực, thẳng thắn. Đối với các luận điệu cho rằng Việt Nam có các hoạt động đàn áp tôn giáo, cấm đoán, không tự do hoạt động của các tổ chức tôn giáo, đây là những vu cáo vô căn cứ, phiến diện, không khách quan. Xét về mặt lý luận và thực tiễn nêu trên, hoàn toàn phản biện, bác bỏ mọi nhận xét, luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, các thế lực thù địch về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Hồ Bảo

Tin khác
1 2 3 4 
image advertisement

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 51
  • Trong tuần: 5 563
  • Tất cả: 7260924
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TIỂU CẦN
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tiểu Cần - Khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, Trưởng Ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Trương Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng Ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3822070 - Fax: 0294.3612518. Email: tieucan@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "tieucan.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang