Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản sản tại tỉnh Trà Vinh

         Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có 65 km bờ biển và nằm giữa 02 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, nên có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản cả ba vùng mặn, lợ và ngọt. Trong nhiều năm qua diện tích nuôi của tỉnh không ngừng nâng lên với tổng diện tích nuôi dao động từ 50.000 - 55.000 ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt từ 130.000 - 170.000 tấn, riêng 08 tháng đầu năm 2022 đạt 133.151 tấn (đạt 86,1% so với kế hoạch). Bên cạnh việc mở rộng diện tích nuôi thủy sản thì hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; môi trường suy thoái và ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập, phát triển mạnh và gây thiệt hại trên thủy sản nuôi, đặc biệt trên tôm sú và tôm chân trắng. Từ năm 2018 đến nay, diện tích thiệt hại trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng từ 1.600 - 1.700 ha (chiếm trung bình khoảng 18,15 % diện tích thả nuôi).

         Trong nuôi trồng thủy sản, quản lý được dịch bệnh là yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả trong quá trình sản xuất. Do đó, xây dựng các cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh là vấn đề nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

         Nhằm khống chế tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản nói chung, trên tôm nuôi nói riêng, trong nhiều năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều Thông tư và Công văn hướng dẫn về việc phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản như: Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016; Quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2021,... Trên cơ sở kết hợp các điều kiện thực tiển tại địa phương, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi, hướng tới xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu về kiểm soát mầm bệnh của các nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tuyên truyền
 đến các hộ nuôi tham gia chương trình giám sát

         Thực hiện Kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi phục vụ xuất khẩu của tỉnh, từ cuối năm 2018 Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kết hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế và thị xã nuôi tôm trọng điểm của tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền, quy định về phòng, chống dịch bệnh thủy sản về tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, trong việc khống chế dịch bệnh, qua đó đã có 40 cơ sở (10 cơ sở sản xuất giống và 30 cơ sở nuôi tôm) đăng ký tham gia chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm, thực hiện giám sát định kỳ một lần/tháng, giám sát các mầm bệnh: Đốm trắng (WSSV), Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), Đầu vàng (YHV). Việc kiểm soát và giám sát dịch bệnh từ sản xuất giống đến nuôi thương phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng, là giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra chất lượng tôm giống
tại cơ sở sản xuất giống An toàn dịch bệnh

         Đến nay đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ công nhận và cấp Giấy Chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cho Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận Trà Vinh  (Ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải); Giấy Chứng nhận có thời hạn 05 năm. Để công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh: Các cơ sở sản xuất phải có kết quả xét nghiệm âm tính liên tiếp trong vòng 06 tháng với các bệnh đã đăng ký; cơ sở phải áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ, ngăn chặn các loài động vật xâm nhập vào khu sản xuất, khu nuôi; nước từ khu sản xuất, khu nuôi không rò rỉ ra bên ngoài môi trường, để đảm bảo vấn đề an ninh sinh học được kiểm soát chặt chẽ; đặc biệt cơ sở phải có quá trình ghi chép, soạn thảo và lưu trữ các quy trình vệ sinh đối với từng công đoạn sản xuất, quản lý, sử dụng vật tư, xử lý khi dịch bệnh xảy ra tại cơ sở. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất thủy sản trong tỉnh có quy mô nhỏ lẻ; việc kiểm soát các mối nguy trong an ninh sinh học còn chưa đảm bảo; việc ghi chép, lưu trữ  hồ sơ, sổ sách còn hạn chế. Do đó, các cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được điều kiện công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.

         Hướng tới, tiếp tục hướng dẫn và hoàn thành thủ tục công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở sản xuất thủy sản khi đủ điều kiện theo quy định, nhằm xây dựng được chuỗi cơ sở an toàn dịch bệnh trong sản xuất thủy sản, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập của người dân, góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

Lê Thị Tiến

Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới