Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương
Lượt xem: 1977
Chiều ngày 12/6, Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh (Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2022 và phương hướng thực hiện đến năm 2025. Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chủ trì hội nghị.
 

 

Quang cảnh hội nghị

Giai đoạn 2019-2022, công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP đạt được nhiều kết quả tích cực. Các loại hình sản xuất ở nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiệu quả hơn; tỷ trọng các lĩnh vực kinh tế tăng và ổn định; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn, qua đó nâng cao mức sống vật chất tinh thần cho dân cư nông thôn. Tạo ra một lượng hàng hóa đáng kể, các sản phẩm ngày càng được đa dạng, có nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Thông qua các chính sách của tỉnh, một số cơ sở, doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Phát huy được tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của người nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo đánh giá tại hội nghị, việc triển khai chương trình còn một số tồn tại hạn chế. Sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa được chủ động, một số chủ thể xem việc tham gia Chương trình là theo yêu cầu của chính quyền địa phương, thiếu sự gắn kết với hoạt động nâng cao năng lực của chủ thể về sản xuất, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Phần lớn các cơ sở sản xuất trong tỉnh năng lực tài chính hạn chế, thiếu tay nghề, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiết bị công nghệ sản xuất chậm đổi mới...

Trong giai đoạn 2019 - 2022, Trà Vinh có 184 sản phẩm được công nhận đạt OCOP (137 sản phẩm đạt 3 sao, 38 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm đạt 5 sao và 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Đến năm 2025, phấn đấu có thêm ít nhất 165 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao, trong đó có khoảng 5 - 7 sản phẩm đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt sản phẩm 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia).

Kết quả sản xuất kinh doanh của chủ thể sau khi đạt sản phẩm OCOP, bình quân tăng lên từ 10% đến 30% về sản lượng và doanh thu. Các chủ thể đã mở rộng thị trường tiêu thụ, được kết nối tại các sàn thương mại điện tử và tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh Diệp Thanh Tùng phát biểu tham luận

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; hiệu quả kinh doanh sau khi sản phẩm đạt OCOP; đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện đề nghị các sở, ngành chuyên môn, UBND cấp huyện tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ và các chủ thể tham gia chương trình trong thời gian tới hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, thường xuyên tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các chủ thể trong quá trình thực hiện. Triển khai các hoạt động xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các điểm sản phẩm OCOP, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương…

  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện trao bằng khen cho các tập thể

Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 25 tập thể đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2019 – 2022.

Nguyên Chương