Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Lượt xem: 2345
0:00 / 0:00

Sáng ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. 

anh tin bai

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

Sau hơn 1 năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã đạt được kết quả quan trọng. Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252 ha so với năm 2020.

Hiện nay, đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, có nhiều khó khăn, hạn chế liên quan tới cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân như: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn.

Ngoài ra, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán…Mỗi dự án khi triển thực hiện phải đảm bảo chất lượng, an toàn, đầy đủ các dịch vụ đáp ứng yêu cầu người dân.

Để các dự án nhà ở xã hội được được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành cần nghiên cứu tham mưu các chính sách phù hợp hơn, quy trình tiếp nhận hồ sơ cần được tinh gọn, rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các Bộ, ngành cần nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi về lãi suất cho người dân có nhu cầu về nhà ở xã hội.

Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ban hành nghị quyết về việc thực hiện nhà ở xã hội; thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm không đùn đẩy, né tránh.

Đồng thời, khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Đối với các dự án đã khởi công, xây dựng, đề nghị các địa phương thường xuyên đôn đốc hoàn thành dự án đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, phải khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế mỹ thuật, cấp phép xây dựng... để khởi công, xây dựng.

Trúc Phương

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image