Phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Tiếp tục ưu tiên thế mạnh và bám sát quy hoạch
Lượt xem: 2031
Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đến cuối năm 2020 đạt 45.400 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 05 năm 2016-2020 ước đạt 23,61%. Đạt kết quả này, nhờ phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương; trong đó Sở Công thương đóng vai trò “chủ công” thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017-2025; đề án phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm tỉnh Trà Vinh đến năm 2020; kế hoạch phát triển nhóm ngành, nghề nông thôn như dệt chiếu, đan đát và se chỉ tơ xơ dừa...; đề án phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Thông tin từ Sở Công thương, trong 05 năm qua, Sở đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp; rà soát, bổ sung, lập mới, cũng như triển khai thực hiện các quy hoạch lĩnh vực công nghiệp, thương mại được quan tâm thường xuyên, phù hợp, đồng bộ với quy hoạch phát triển của các ngành, quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Riêng lĩnh vực công nghiệp, tình hình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp giữ được nhịp độ tăng trưởng, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tính quyết định đối với phát triển công nghiệp; lưới điện trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều công trình lưới điện được đầu tư đảm bảo nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân trong tỉnh. Sở Công thương đã tham mưu thành lập 04 cụm công nghiệp và thực hiện bổ sung 01 cụm công nghiệp; các dự án, công trình lớn được đầu tư đi vào hoạt động: Trung tâm Điện lực Duyên Hải; Nhà máy điện mặt trời Trung Nam; Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện; đóng điện công trình đường dây 500kV Nhiệt điện Duyên Hải-Mỹ Tho, đường dây 220kV Nhiệt điện Duyên Hải-Mỏ Cày (Bến Tre), công trình trạm 110kV Cầu Ngang và đường dây đấu nối, công trình Trạm 110kV Long Đức và đường dây đấu nối và các dự án điện gió vận hành thương mại vào năm 2020, phát triển điện mặt trời áp mái… Đặc biệt, công tác khuyến công trong giai đoạn này đã hỗ trợ 39 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng các thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tổ chức 32 lớp truyền nghề, giải quyết việc làm cho 936 lao động; tổ chức 03 cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; đánh giá nhanh về sản xuất sạch hơn cho 16 doanh nghiệp...

Lao động đang se lỏi xơ tơ dừa tại DNTN sản xuất Nguyễn Phong, ấp Thạnh Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long

Cũng trong giai đoạn này, tổ chức 02 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh: năm 2016, có 41 sản phẩm đạt cấp tỉnh (trong đó có 03 sản phẩm đạt cấp khu vực phía Nam); năm 2018, có 57 sản phẩm đạt cấp tỉnh (trong đó có 05 sản phẩm đạt cấp khu vực phía Nam) và 02 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Về sản phẩm OCOP, tỉnh triển khai Đề án “Phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030” lĩnh vực ngành công thương. Qua đó, hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã đánh giá và phân hạng 30/39 sản phẩm ở các địa phương đạt phân hạng 3 sao và 4 sao (lĩnh vực công nghiệp có 14 sản phẩm).

Trên cơ sở những kết quả đạt được, lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn: doanh nghiệp trong tỉnh vừa và nhỏ nên phát triển thiếu bền vững, chủ yếu dựa vào Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải. Việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành công thương chưa chuyển biên tích cực, các sản phẩm chưa được đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hoặc sản xuất sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường. Tiến độ triển khai các dự án điện gió còn chậm; thiếu hạ tầng công nghiệp như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư...

Đến nay, tất cả các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đó là cơ sở để giai đoạn 2021-2025 tỉnh sẽ bám sát các quy hoạch triển khai thực hiện hiệu quả: ngoài được duyệt quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp, còn có các quy hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển hệ thống kho, hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Trà vinh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035; quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV; quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến 2020, có xét đến 2030; quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Trà Vinh đến 2020 và tầm nhìn đến 2030; quy hoạch phát triển Thương mại Tỉnh Trà Vinh đền năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025…

Trước nhất, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các nhà máy Nhiệt điện tại Trung tâm điện lực duyên Hải hoạt động ổn định; triển khai các dự án điện gió đã cấp chứng nhận đầu tư sớm hoàn thành đưa vào phát điện thương mại; hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các dự án bổ sung quy hoạch nhằm khai thác tốt tiềm năng gió của tỉnh; triển khai tuyên truyền điện mặt trời mái nhà. Tập trung khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; đưa ngành năng lượng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Trà Vinh. Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn năm 2021-2030 và những năm tiếp theo. 

Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, Sở Công thương đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đến năm 2025 đạt 83.715 tỷ đồng, tăng bình quân trong giai đoạn 2021-2025 là 13,02%/năm./.

Trường Nguyên

Tin khác