Thường xuyên rà soát, theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách thuộc các lĩnh vực
Lượt xem: 1911
Sáng ngày 9/6, ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị trao đổi, thảo luận đánh giá kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh và dự thảo báo cáo giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Quang cảnh tại hội nghị

Tham dự hội nghị có bà Dương Thị Ngọc Thơ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Kiên Quân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ngành địa phương có liên quan.

Tại cuộc họp, qua xem xét kết quả thực hiện 61 nghị quyết của HĐND có 16 nghị quyết cơ bản được triển khai thực hiện theo quy định, 45 nghị quyết vẫn còn hạn chế, vướng mắc, trong đó có 41 nghị quyết còn vướng của HĐND tỉnh có đề xuất kiến nghị, giải pháp cần xem xét trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, có 15 nghị quyết gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Khó khăn chủ yếu ở công tác vận động tuyên truyền; một số hoạt động mức hỗ trợ chưa phù hợp với tình hình thực tế…

Đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội, có 7 nghị quyết còn gặp những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ của một số địa phương còn chậm, khó khăn trong công tác tổ chức phát động các kỳ thi do không có định mức khen thưởng,  quá trình triển khai thực hiện, việc tiếp nhận, và thẩm định hồ sơ của một số địa phương còn chậm...

Ở lĩnh vực pháp chế, có 7 nghị quyết đang vướng mắc trong quá trình thực hiện, chủ yếu là do mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khóm còn thấp; mức phụ cấp và chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng còn thấp do đó chưa thu hút được được nhiều người có năng lực tham gia lực lượng này,…

Đối với lĩnh vực dân tộc, Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn còn một số dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình chưa triển khai thực hiện hoặc tiến độ triển khai thực hiện chậm.

Ngoài ra, qua rà soát cơ chế chính sách cần trình HĐND tỉnh ban hành trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết tại kỳ họp gần nhất, hoặc chậm nhất trong thời gian 6 tháng kể từ khi văn bản của Trung ương quy định thẩm quyền của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành.

Cũng qua rà soát, có 2 nghị quyết đã hết hiệu lực nhưng chưa công bố đó là Nghị quyết số 09/2013/NQ-HĐND ngày 11/7/2013 phê chuẩn mức chi trong sử dụng nguồn vốn hỗ trợ địa phương sản xuất lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa  và Nghị quyết số 18/2015/NQ-HĐND ngày 9/12/2015 bổ sung điểm d Khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 09/2013/NQ-HĐND ngày 11/7/2013 của HĐND tỉnh phê chuẩn mức chi trong sử dụng nguồn vốn hỗ trợ địa phương sản xuất lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng đây là cuộc họp mang lại hiệu quả thiết thực, các sở, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh cùng Thường trực HĐND cần rà soát lại tính khả thi của tất cả nghị quyết ở các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, pháp chế, dân tộc để có điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tế triển khai.

Đồng thời, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các Ban HĐND, các sở, ngành, liên quan cần cập nhật đầy đủ các quy định của Trung ương, chủ trương của Tỉnh ủy, thường xuyên rà soát, theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách thuộc lĩnh vực phụ trách để kịp thời tham mưu đề xuất sửa đổi, ban hành chính sách mới phù hợp. Đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghị quyết cần chú trọng lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan ban ngành; UBMTTQ tỉnh cần tăng cường công tác phản biện xã hội; các Ban HĐND cần nâng cao hơn nữa công tác thẩm tra, cần thể hiện rõ quan điểm với những nội dung chưa phù hợp để đại biểu HĐND xem xét quyết định.

Ngân Linh

Tin khác