Phát huy hiệu quả từ đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Lượt xem: 3767
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của hội viên, phụ nữ. Đó là một trong những hoạt động trọng tâm mà Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Càng Long tập trung thực hiện. Minh chứng thời gian qua, Hội đã tích cực vận động hội viên tham gia Đề án 939, mạnh dạn khởi nghiệp sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. 

Chị Nguyễn Trúc Linh đang tuyển trứng bỏ mối cho các lò hột

Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã làm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ. Đồng thời, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của phụ nữ thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Sau thời gian tìm hiểu các mô hình kinh tế ở các địa phương và qua báo, đài về kỹ thuật chăn nuôi gà, kinh doanh trứng gà, chị Nguyễn Trúc Linh, ấp An Thạnh, xã Tân Bình, huyện Càng Long đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh trứng gà. Do nhu cầu tiêu thụ trứng gà tăng cao nên đã hình thành hướng đi mới cho chị Linh. Nắm bắt nhu cầu thị trường, chị Linh kết nối với các trang trại tỉnh Bến Tre để lấy trứng hàng tuần, sau đó chị cung cấp trứng cho các cơ sở trên địa bàn huyện và tỉnh ngoài.

Chị Nguyễn Trúc Linh nói: Từ khi tôi được Hội phụ nữ hỗ trợ vốn 70 triệu thì kinh tế ổn định hơn. Cứ 5 ngày tôi thu 7.000 – 10.000 trứng, vô mùa thì mười mấy ngàn. Trứng gà được tuyển chọn lại rồi phân phối cho lò ở tỉnh mình và tỉnh Kiên Giang. Thời gian tới nếu được hỗ trợ thêm nguồn vốn thì tôi đầu tư thêm chăn nuôi gà mái để mình lấy trứng được nhiều hơn. Tính ra hàng tháng sau khi trừ mọi chi phí thì tiền lời từ 15 - 20 triệu đồng

Không chỉ đóng vai trò kết nối các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp, Đề án 939 còn xây dựng nhiều chương trình để đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển. Đặc biệt là tiếp thêm nguồn lực để hội viên, phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và tăng trưởng về quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại ấp 9C, xã An Trường A, huyện Càng Long, chị Mai Thị Cúc cũng cho rằng: khởi nghiệp chẳng có gì cao xa mà chỉ là một cách vừa tăng thu nhập bằng chính sức lao động, sự sáng tạo của mình, vừa tạo việc làm cho cộng đồng. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Cúc đã khẳng định được ý chí vươn lên, nhất là trong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Tham gia phong trào khởi nghiệp do Hội Phụ nữ tỉnh và huyện phát động, chị Cúc được vay 100 triệu đồng đầu tư trồng cam, mua máy may gia công cho các công ty trong tỉnh. Trung bình mỗi ngày, chị Cúc may gia công được 4.000 dây quai túi xách với số tiền gần 300.000 đồng.

Chị Cúc chia sẻ: Tôi thấy việc làm này cũng ổn định, may túi xách cho công ty Duy Trần. Mặt hàng có đều đều. Tôi nhận thêm làm dây kéo cho bà con ở đây làm thêm nên thu nhập cũng đỡ. Hướng tới tôi sẽ nhận gia công thêm nhiều mặt hàng để mấy chị em ở địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Việc khởi nghiệp của chị Cúc còn góp phần tạo việc làm ổn định cho một số lao động thời vụ ở nông thôn. Ngày thường, chị thuê thêm 2 lao động phụ cắt chỉ dây quai túi xách và dây kéo, giúp họ có được thu nhập ổn định.

Bà Huỳnh Ngọc Mai, ấp 9C, xã An Trường A, huyện Càng Long cho biết: Nếu rảnh sẽ đến cắt chỉ, thu nhập một ngày cũng 50.000 – 60.000 đồng, kiếm thêm thu nhập để đóng tiền điện, nước hoặc cho cháu mình đi học, có thu nhập đồng ra đồng vô xài cũng mừng.

Từ nguồn vốn vay khởi nghiệp, chị Cúc còn mạnh dạn kinh doanh thêm các loại chả lụa, pa tê, lạp xưởng, giò sống. Từ nguyên liệu chính là thịt heo, pate, trứng muối, rau củ, nấm mèo… Với đôi bàn tay khéo léo của mình, chị Cúc đã chế biến chúng trở thành những món ăn thơm ngon, hấp dẫn.

Sản phẩm chả, lạp xưởng của chị Cúc là một trong các sản phẩm OCOP tiềm năng; hiện đang được ngành chức năng huyện và tỉnh hỗ trợ đăng ký thương hiệu.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Diễu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Càng Long nói: Thực hiện Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ thì Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và chị em phụ nữ cơ sở rất là quan tâm, thường xuyên rà soát, nắm tình hình nguyện vọng của chị em muốn khởi nghiệp, trên cơ sở đó hỗ trợ nguồn vốn cho chị em bằng cách cho chị em tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách, giải quyết việc làm. Tính đến nay, Hội phụ nữ huyện đã hỗ trợ cho gần 70 chị với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng. Hội hỗ trợ cho các chị em trên các lĩnh vực như may, mua bán nhỏ, đan đát, dây nhựa, se lõi lát, trồng trọt, chăn nuôi.

Bà Đặng Thị Diễu (áo vàng) trao đổi với chị Mai Thị Cúc về việc đăng ký thương hiệu lạp xưởng

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Càng Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, huy động các nguồn lực nhằm kết nối, bồi dưỡng nâng cao năng lực kinh doanh cho phụ nữ và hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ khởi nghiệp, tạo phương tiện sinh kế cho các chị em. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Thùy

          

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image