Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất
Lượt xem: 94
anh tin bai

(Áp dụng theo Hướng dẫn số 51/HD-SNN ngày 22/4/2019, có cập nhật, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế)

 * Quy mô: Thực hiện 66 ha lúa và 3 máy/thiết bị sạ cụm theo hàng

 * Địa điểm thực hiện: HTX Nông nghiệp Phát Tài xã Thanh Mỹ (6 ha và 1 máy/thiết bị sạ cụm theo hàng), HTX Nông nghiệp Phước Hảo xã Phước Hảo (30 ha và 1 thiết bị sạ cụm theo hàng)  huyện Châu Thành và HTX Nông nghiệp Thạnh Trung xã Hiếu Trung (30 ha và 1 thiết bị sạ cụm theo hàng) huyện Tiểu Cần.

 * Yêu cầu kỹ thuật và tiến bộ về quản lý được áp dụng trong mô hình:

- Các hộ tham gia mô hình xuống giống đúng theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Sạ bằng máy sạ hàng theo khóm với khoảng cách hàng cách hàng 25 cm, cây cách cây 16 cm. Lượng giống gieo sạ 60 kg/ha.

- Hộ thực hiện mô hình áp dụng theo qui trình kỹ thuật sản xuất lúa thâm canh cải tiến (SRI): Quy trình kỹ thuật canh tác lúa áp dụng cho MH dựa trên cơ sở nền tảng của quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo SRI và 1 phải 5 giảm.

  * Đánh giá thị trường: mô hình lúa áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, trong đó có giải pháp đồng bộ cơ giới hóa sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất sản lượng lúa, nâng cao năng suất lao động, chủ động thời vụ, bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm có chất lượng tốt hơn, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và đồng đều hơn nên dễ kết nối thị trường tiêu thụ hơn.

  * Hiệu quả mô hình: (phụ lục 2 đính kèm)

          Mô hình sản xuất áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, giảm giống bón phân cân đối theo nhu cầu cây lúa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, áp dụng đồng bộ cơ giới hoá các khâu trong sản xuất làm đất, gieo sạ, chăm sóc thu hoạch và sau thu hoạch (máy cày, máy xới,  máy cấy/sạ cụm, máy phun thuốc bón phân, máy gặt đập liên hợp, máy kéo, máy sấy).

- Hiệu quả về các chỉ tiêu kỹ thuật: Giảm giống 40-100 kg/ha (40-60 %); sử dụng phân hữu cơ giảm lượng phân bón hoá học (giảm phân đạm 50%, phân lân 30%, phân kali 40%); giảm sâu bệnh, giảm thuốc bảo vệ thực vật 2 lần phun/vụ; tăng năng suất lúa; tăng năng suất lao động chăm sóc so với lao động thủ công 15 – 20 lần. Lợi nhuận bình quân đạt 40.000.000 đồng/ha, tăng hơn 30% so với sản xuất đại trà tại địa phương. Mô hình giảm 50-60 % lượng giống gieo sạ, sử dụng phân hữu cơ giảm lượng phân bón hoá học, sử dụng thuốc BVTV sinh học nên ít gây ô nhiễm.

  - Hiệu quả về kinh tế: Năng suất mô hình lúa sạ máy đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà trong vùng khoảng 0,5 tấn/ha; lợi nhuận 34.190.000 đồng/ha cao hơn sản xuất đại trà 6.180.000đồng/ha. Nguyên nhân là do giá thành sản xuất lúa sạ máy trong mô hình 2.940 đồng/kg giảm 491 đồng/kg so với lúa sạ lan. Trong đó, việc giảm giống, phân bón (phân đạm), thuốc bảo vệ thực vật và công lao động đã góp phần rất lớn trong việc hạ giá thành sản phẩm.

  - Hiệu quả về xã hội: Đẩy nhanh tiến độ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đặc biệt là khâu gieo sạ, giải quyết tình trạng thiếu lao động trong sản xuất lúa, tiến tới hợp tác sản xuất lúa giống hàng hoá cung ứng cho thị trường, xã hội hoá công tác giống ở địa phương. Góp phần thay đổi dần nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân, thông qua mô hình các hộ nông dân có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn gặp phải trong sản xuất.

Tăng cường sự liên kết của các hộ sản xuất từng bước tiến tới hợp tác sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường. Giúp cho người nông dân an tâm sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường đặc biệt là ảnh hưởng của hạn, mặn. Đây là mô hình điểm để người nông dân trong và ngoài địa phương đến thăm quan trao đổi kinh nghiệm và ứng dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

- Hiệu quả về môi trường: Mô hình ứng dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế sử dụng thừa phân đạm; giảm sử dụng thuốc BVTV; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; cải tạo độ màu mỡ của đất; giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường; bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và tiêu dùng.

* Khả năng nhân rộng: Mô hình có khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

 

anh tin bai