Nghệ thuật Chầm riêng chà pây của người Khmer
Lượt xem: 36
Chầm riêng Chà pây được hiểu là một loại hình nghệ thuật dân gian có đàn ca hát. Chầm riêng có nghĩa là ca hát, Chà pây là đàn Chà pây. 

Trong lúc diễn tấu, nghệ nhân hay người nghệ sĩ biểu diễn vừa đàn từng đoạn nhạc, sau đó vừa tự hát từng câu ứng tác về một đề tài đã chuẩn bị sẵn nào đó. Bài biểu diễn không chỉ là những tác phẩm đã soạn sẵn mà còn do nghệ nhân ngẫu hứng nhanh tại chỗ để độc diễn. Người chơi Chầm riêng Chà pây chủ yếu dựa vào cốt truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, thường là thể thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ để hát. Và sau mỗi đoạn thơ lại khảy đàn chà pây một câu nhạc đệm. Để hát xong một đoạn truyện có khi kéo dài suốt đêm.

Cũng có khi Chầm riêng Chà pây không có tích truyện mà là những khổ thơ kể về tâm trạng hay tình huống nào đó của cuộc đời. Do lời thơ chủ yếu là được ứng tác, do tài nghệ riêng của từng nghệ nhân nên từ khúc nhạc dạo, câu nhạc đệm cùng với cách luyến láy và khúc nhạc kết đến giọng điệu của mỗi người tạo nên sắc thái độc đáo riêng. Điệu thức Chầm riêng Chà pây gồm: phát chây, phát chây cớt, som phôn, som phôn cớt, ang kô reach chơn prây srây, ang kô reach chơn prây rốs.

Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có tài liệu cụ thể nào ghi lại thời điểm nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer ra đời, nhưng theo các Acha (Acha: là người cao tuổi, am hiểu phong tục, tập quán truyền thống và có uy tín cao trong cộng đồng người Khmer) thì so với loại hình nghệ thuật múa Rô-băm, hát kịch Dù-kê, hay À-day đối đáp, thì Chầm riêng Chà pây đã xuất hiện trước đó từ rất lâu, nó là một phần trong bữa tiệc tinh thần không thể thiếu sau những ngày nương áng ruộng đồng vất vả của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.

Chầm riêng chà pây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo và phổ biến trong các phum, sóc của đồng bào Khmer trước đây. Thế nhưng hiện nay, số người biết đàn hát Chầm riêng chà pây ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn lại rất ít. Có thể kể đến nghệ nhân Lý Sêm (Sóc Trăng), nghệ nhân Chau Nưng (An Giang), nghệ nhân Danh Xà Rậm (Bạc Liêu) và tại Trà Vinh chỉ có một nghệ nhân duy nhất là nghệ nhân Thạch Mâu ở ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú.

Có thể nói nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer là món ăn tinh thần rất cần thiết trong cuộc sống của người dân tộc Khmer. Trong cộng đồng người dân tộc Khmer vùng Nam Bộ thì người Khmer sinh sống tại Trà Vinh hiện nay là những người đang kế thừa được đầy đủ, nguyên vẹn nhất loại hình nghệ thuật này. Bởi họ lưu giữ được một kho tàng nhạc khí dân tộc rất phong phú, đa dạng và mang tính đặc trưng, tiêu biểu cho người Khmer tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nghệ thuật Chầm riêng chà pây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 1524/QĐ-BVHTTDL Ngày 24/4/2013).