Điểm sáng mô hình dân vận khéo “nghe dân nói – làm dân tin”
Lượt xem: 992
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những vấn đề bức thiết người dân quan tâm, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đó là điểm sáng mô hình dân vận khéo “Nghe dân nói – Làm dân tin” của Ban Dân vận Huyện ủy Cầu Kè. Qua thời gian triển khai thực hiện, huyện đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, vừa dân vận khéo vừa gắn chặt với quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo nghe dân – vì dân.

Người dân xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè chăm sóc tuyến đường hoa 

 Mô hình “Nghe dân nói – Làm dân tin”  được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên của tháng: Vào buổi sáng, các xã, thị trấn đến địa bàn huyện tổ chức vận động mỗi cán bộ tự nguyện góp quỹ hỗ trợ đối tượng chính sách gặp khó khăn, người nghèo, người già neo đơn, trẻ em nghèo hiếu học,… Song song đó, lãnh đạo xã, thị trấn thực hiện các hoạt động tiếp dân: lắng nghe ý kiến người dân phản ánh về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xây dựng cầu, đường, trường, trạm… Đồng thời, giải trình cụ thể những vấn đề người dân quan tâm thuộc thẩm quyền; tiếp thu những nội dung vượt thẩm quyền hoặc thẩm tra, xác minh; hẹn thời gian, địa điểm để giải quyết vướng mắc của người dân.

Buổi chiều, xã, thị trấn tập trung thực hiện nội dung "Làm dân tin": theo đó, lãnh đạo xã đến tận nhà thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ người nghèo, người già neo đơn;… chỉ tiêu mỗi tháng 02 trường hợp/xã. Nguồn kinh phí tặng quà được sử dụng từ nguồn vận động cán bộ địa phương hoặc nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè nói: mô hình “Nghe dân nói – Làm dân tin” rất phù hợp trong tình hình hiện nay. Xã Hòa Ân có trên 64% đồng bào dân tộc Khmer, xã vùng sâu nông nghiệp. Chúng tôi triển khai mô hình, chọn các hộ khó khăn, cho lực lượng xuống hỗ trợ người dân như sửa chữa nhà, làm mới các tuyến đường đal giao thông nông thôn…

Trên cơ sở quán triệt, vận dụng sáng tạo, hiệu quả công tác dân vận khéo gắn với việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở vào thực hiện nhiệm vụ, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cầu Kè luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Ngoài việc “Nghe dân nói”, huyện còn tập trung rà soát, nắm tình hình, nguyện vọng của người dân và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của hộ dân. Từ đó, giải quyết triệt để những vấn đề người dân quan tâm; tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

 Ông Thạch Phươne, ngụ xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè nói: Hồi đó đường sá không có, đi bằng ghe. Sau này chúng tôi cùng đóng góp làm đường nhỏ, rồi được nhà nước đầu tư làm đường, bắc cầu lớn. Người dân rất vui mừng vì thuận tiện hơn khi di chuyển, vận chuyển hàng…

Ông Thạch Phươne (người chỉ tay ngoài cùng) trao đổi với cán bộ huyện tại cầu giao thông xã Hòa Ân

 Từ khi triển khai mô hình “Nghe dân nói – Làm dân tin”vào đầu tháng 8/2022 đến nay, 11/11 xã, thị trấn trong huyện Cầu Kè đã tổ chức “Nghe dân nói” được 49 cuộc, có gần 800 người dự, có gần 250 ý kiến, kiến nghị. Trong đó, các cơ quan giải trình thoả đáng gần 240 ý kiến. Các vấn đề người dân quan tâm chủ yếu về chế độ chính sách, môi trường, lĩnh vực giao thông, nước sạch, cống thủy lợi, chính sách hỗ trợ trồng cam, dừa sáp giống, …..

Bà Phan Thị Thúy Hằng, ngụ xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè bày tỏ suy nghĩ: Hồi đó tới giờ ở đây chủ yếu dùng nước giếng khoan, bây giờ có nước sạch nên người dân phấn khởi, đảm bảo vệ sinh hơn khi ăn uống, sinh hoạt…

Gắn với nội dung “Nghe dân nói”, lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiều hoạt động “Làm dân tin”: cụ thể là các xã, thị trấn vận động đóng góp và xã hội hoá được hơn 100 triệu đồng hỗ trợ quà cho hộ nghèo, người neo đơn, sửa chữa nhà, hỗ trợ cây giống giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống…Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện vận động người dân hiến đất, hiến cây, góp ngày công lao động làm cầu, đường giao thông nông thôn với kinh phí hơn 250 triệu đồng.

Bà Trần Thị Mau, ngụ ấp Trà Bôn, xã Châu Điền thuộc diện cận nghèo. Cảm hiểu, sẻ chia trước sự khó khăn của gia đình bà, vào cuối năm 2022, chính quyền địa phương hỗ trợ bà 6 triệu đồng để sản xuất rau màu và sửa nhà từ số tiền đóng góp của cán bộ xã. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã cùng cán bộ hội, đoàn thể Châu Điền còn thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần và vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhiều phần quà gồm nhu yếu phẩm giúp gia đình bà vơi bớt khó khăn.

Điểm sáng của mô hình dân vận khéo “Nghe dân nói – Làm dân tin” là nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của người dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài; tạo sự gắn bó mật thiết giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Phát huy tính dân chủ ở cơ sở và động viên người dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thạch Buôl Nát, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cầu Kè cho biết: Mô hình là điều kiện để lãnh đạo các cấp được gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; giải thích, giải trình và giải quyết các vấn đề trong thẩm quyền ngay tại buổi đối thoại đó. Hạn chế kiến nghị vượt cấp, tạo không khí tiếp xúc dân chủ, cởi mở, góp phần phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời, làm cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Gắn nội dung “Nghe dân nói”, các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bằng các hành động thiết thực “Làm dân tin” hiện thực đóng góp  và xã hội hóa nhằm giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách.

Tiếp nối truyền thống cách mạng của cha anh đi trước, trong giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cầu Kè luôn chủ động tiên phong, nói đi đôi với làm, phát huy vai trò gương mẫu, thực hiện nhiệm vụ và chấp hành tổ chức kỷ luật của cán bộ lãnh đạo... Từ đó, tạo động lực, khích lệ đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị tích cực làm theo, thực hiện hiệu quả các mô hình dân vận khéo gắn quy chế dân chủ ở cơ sở; phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.

Minh Thùy