Thúc đẩy giải ngân đầu tư công để tạo động lực cho tăng trưởng
Lượt xem: 188

Sáng ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh dự hội nghị
tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng dự hội nghị

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 là hơn 669.000 tỷ đồng. Đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án đạt 95,5%. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%).

Có 11 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước. 33 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước; trong đó, có một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp.

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, đến ngày 13/6, tỷ lệ giải ngân đạt 27,4%; các dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý chỉ đạt 17,2%. Tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thấp, chỉ đạt 12% kế hoạch.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung phân tích nguyên nhân khiến giải ngân thấp ở các đơn vị, chỉ ra những vướng mắc, điểm nghẽn, nguyên nhân nào dẫn đến có nơi làm tốt, có nơi chưa tốt, đúc kết những kinh nghiệm để thúc đẩy đầu tư công.

Nhiều bộ, địa phương cho biết, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Trong đó, kế hoạch vốn ngân sách địa phương 2024 cao hơn 89 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, phê duyệt đơn giá đất còn chậm. Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra. Giá nguyên vật liệu biến động. Tình trạng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông cũng gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư. Còn tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu.

Tại Trà Vinh, tổng kế hoạch vốn năm 2024 là hơn 4.800 tỷ đồng, ước đến 30/6/2024 giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân đạt 32,5% kế hoạch).

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đã phân bổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục; đổi mới phương pháp, cách làm, tăng cường chuyển đổi số; khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Thủ tướng nhấn mạnh vốn đầu tư công là tiền của của Nhà nước, của nhân dân; do đó phải sử dụng thật hiệu quả, không để chậm trễ, lãng phí.

Các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp chủ động nguyên vật liệu và các điều kiện cần thiết cho các dự án; bảo đảm nhân lực làm việc có tâm, có tầm, có trách nhiệm; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường theo kế hoạch đề ra.

Phương An