Giảm nghèo từ mô hình kinh tế hiệu quả ở huyện Duyên Hải
Lượt xem: 1267
Quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển sinh kế, nhiều hộ dân xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải đã thoát nghèo và vươn lên khấm khá. Cùng với những chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự cần mẫn lao động, nhiều hộ gia đình dân tộc Khmer đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế đi lên và thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Chị Thạch Hồng Thanh phát triển kinh tế từ nuôi heo rừng

Với quyết tâm thoát nghèo bền vững, chị Nguyễn Thị Cẩm Dung, ngụ ấp La Bang Chợ, xã Đôn Châu đầu tư thực hiện mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô từ tháng 4 năm 2022 đến nay. Được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chị vay vốn phát triển sản xuất 50 triệu đồng và được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh hỗ trợ sinh kế để mua thức ăn cho ếch và cá. Theo chị Dung: ếch và cá rô đều dễ tiêu thụ, nhu cầu thị trường lớn. Trung bình giá ếch từ 45.000-50.000 đồng/kg, cá rô từ 30.000-35.000 đồng/kg. Thời gian nuôi ếch từ 2,5 đến 3 tháng đạt kích cỡ 200-250 gram/con; cá rô nuôi khoảng 3 tháng, đạt từ 100-150 gram/con.

Mô hình nuôi kết hợp này phải bảo đảm mật độ để tránh tác động tới mức độ sinh trưởng của cá rô phía dưới. Nuôi ếch kết hợp với cá sẽ tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa và phân ếch làm thức ăn cho cá, giúp làm giảm từ 20-30% lượng thức ăn của cá. Việc tiết kiệm chi phí thức ăn cho cá càng có ý nghĩa khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao.

Với quan điểm “trao cần câu”, các hoạt động hỗ trợ sinh kế luôn được lãnh đạo UBND xã cùng các hội, đoàn thể Đôn Châu chú trọng. Trong đó, xã tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế gắn với động viên, tuyên truyền để người dân phát huy tính chủ động, dám nghĩ dám làm; không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn hỗ trợ lại những người yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để cùng nhau phát triển.

Một trong nhiều hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo thoát nghèo bền vững đó là hộ ông Thạch Nhương, ấp Sa Văng, xã Đôn Châu. Ông Nhương chia sẻ: gia đình ông thuộc diện hộ nghèo nhiều năm do không có vốn làm ăn, không có kỹ thuật trồng trọt nên kinh tế bấp bênh. Vào đầu năm 2019, gia đình được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo và hỗ trợ thêm 1 con bò để gia đình có điều kiện nuôi bò sinh sản, tăng thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, xã Đôn Châu còn kết nối mạnh thường quân hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để gia đình ông xây mới căn nhà, có được mái ấm khang trang vững chắc để an tâm lao động, sinh hoạt. Tính riêng năm 2022, gia đình ông Nhương đã xuất bán 3 đợt bò, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận thu được hơn 60 triệu đồng.

Theo ông Thạch Nhương: chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn của chính quyền, đoàn thể xã Đôn Châu và huyện Duyên Hải, gia đình ông mới có thể thoát nghèo vào giữa năm 2020. Điều này vừa hỗ trợ cho gia đình ông giải quyết khó khăn kinh tế vừa tạo động lực giúp ông cùng các thành viên trong gia đình hăng hái làm việc, vươn lên khấm khá hơn.

Theo lãnh đạo UBND xã Đôn Châu: đời sống người dân, nhất là phụ nữ dân tộc Khmer đã khởi sắc đáng kể so với những năm trước. Việc hỗ trợ sinh kế cũng như vay vốn là giải pháp hiệu quả, giúp họ thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Chị Thạch Hồng Thanh, ngụ ấp Bà Nhì cho biết: nuôi heo rừng là mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo hiệu quả bởi đầu ra dễ tìm, giá cả khá cao. Hiện nay, gia đình chị đang nuôi 24 con heo rừng, trong đó có 7 heo nái và 2 heo giống. Sau khi nuôi tầm 6 tháng, heo xuất bán ra thị trường có trọng lượng từ 13 đến 15 kg. Chị Thanh bán một kg thịt heo rừng và heo giống là 130.000 đồng. Giá thị trường dao động tùy thời điểm, nhưng vẫn giữ mức ổn định.

Việc chăm sóc heo rừng cũng đơn giản, heo khỏe, lớn nhanh, ít bị bệnh, chủ yếu ăn các loại rau cỏ, nước cám nên có thể tiết kiệm kinh phí đầu tư gấp 3 lần so với nuôi heo thường. Trung bình mỗi năm, chị Thanh thu được lợi nhuận từ 50 đến 65 triệu đồng từ việc bán heo rừng thịt và heo giống.

Chị Thạch Hồng Thanh chia sẻ: Gia đình tôi nuôi năm nay cũng 4 năm, thấy kinh tế ổn định, chi phí nuôi không có cao, thức ăn chủ yếu là rau quả và nước cám. Tôi bán cho khách trong và ngoài tỉnh, giá heo thịt và heo giống đều bằng giá. Vì tôi muốn người dân mình dễ mua heo giống hơn. Hướng tới, gia đình tôi sẽ mở rộng chuồng trại, gây giống nhiều hơn để cho kinh tế ổn định thêm nữa.

Qua khảo sát thực tế, trong năm 2022, xã Đôn Châu có 266 hộ thoát nghèo bền vững. Xã phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 71 hộ thoát nghèo đa chiều.

Bà Thạch Mỹ An, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải cho biết: Xã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp sau: tập trung triển khai thực hiện các Dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023 từ vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.Triển khai thực hiện tốt chính sách nhà ở từ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023. Nhà ở từ nguồn vốn Quỹ an sinh xã hội tỉnh và hỗ trợ cho vay theo Nghị định 28, Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh để xây dựng nhà ở cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã. Phối hợp phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm dạy nghề mở 7 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn là hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ dân tộc Khmer.

Hướng tới, xã Đôn Châu tiếp tục rà soát, nắm chắc từng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất. Từ đó, phân nhóm hỗ trợ kịp thời – đặc biệt quan tâm hộ yếu thế, tiếp thêm động lực để họ vượt qua khó khăn, vươn lên, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Minh Thùy