Hiệu quả công tác giảm nghèo tại Cầu Kè
Lượt xem: 1174
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, huyện Cầu Kè tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu, tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo dân tộc Khmer trên địa bàn. Qua đó, khơi dậy tính tự lực, tự cường của người dân trong việc chung tay xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng và tham gia xây dựng cuộc sống mới.

Anh Thạch Sa Phone (áo xanh bìa) cho vịt ăn

 Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, huyện Cầu Kè đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể trực tiếp giúp các đối tượng hộ nghèo. Trong quá trình thực hiện có ưu tiên cho các hộ nghèo dân tộc Khmer, hộ phụ nữ nghèo về khoa học, kỹ thuật, tư liệu sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi làm kinh tế để cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, huyện đã xây dựng kế hoạch, đặt mục tiêu giảm nghèo bình quân 1,5%/năm, trong vùng có đông đồng bào Khmer giảm 2%/năm. Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo nên nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Là một trong những hộ chí thú làm ăn, anh Thạch Sa Phone, ấp Ô Tưng A, xã Châu Điền cho biết: gia đình anh thuộc diện khó khăn, nhờ được vay vốn 40 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 3 công cà phổi theo hướng nông nghiệp sạch. Theo anh Sa Phone: cà phổi là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc so với các cây trồng khác và cho trái trong khoảng thời gian rất dài. Cà phổi chủ yếu mắc bệnh sâu đụt trái, nếu trị được sẽ tạo ra trái loại 1, bán với giá cao. Sau khi trồng khoảng 40-45 ngày là cho hoa và khoảng 65-70 ngày là có thể cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch cà phổi kéo dài 3 - 4 tháng, thậm chí có thể lên tới 5 tháng nếu chăm sóc tốt và điều kiện thời tiết thuận lợi.

Vào thời điểm rộ có thể hái mỗi ngày, trung bình cách 3 ngày thu hoạch 1 lần,  năng suất cà phổi đạt trung bình hơn 2 tấn/1.000m2, giá bán dao động từ 8.000-12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh còn lợi nhuận trên 20 triệu đồng từ trồng cà phổi, cao hơn nhiều so với các loại cây màu khác.

Quyết tâm vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, ngoài trồng cà phổi, anh Sa Phone còn mạnh dạn nuôi thêm 60 con vịt xiêm, nuôi heo, làm ruộng để tăng thêm thu nhập. Nhờ sự cần cù, hăng hái lao động sản xuất, tổng lợi nhuận anh có được trong năm vừa qua là hơn 150 triệu đồng.  

Người dân xã Châu Điền chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả

Trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, huyện Cầu Kè đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp ứng phó, nhất là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo Hội Nông dân huyện Cầu Kè: từ đầu năm đến nay, Hội đẩy mạnh hỗ trợ hội viên tiếp cận vốn để sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập. Cụ thể, huyện thực hiện được 15 dự án bằng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp cho 160 hội viên tiếp cận vốn, tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn tiếp nhận nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện giúp nông dân phát triển vươn lên.

Anh Nguyễn Thanh Phong, ấp Trà Bôn, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè nói: Hội Nông dân tỉnh cho vay 25 triệu để nuôi bò sinh sản, mình tận dụng trồng cỏ nuôi bò, rơm cuộn trên đất ruộng nhà để cho bò ăn. Ngoài ra, mình tập hợp anh em hàng tháng để chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò. Trong tổ có cán bộ thú y ở xã phụ giúp để bò khỏe, sinh trưởng tốt. Hội Nông dân cũng có tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò và hướng dẫn tận tình để anh em cùng nhau chăn nuôi phát triển kinh tế. Ngoài việc nuôi bò sinh sản thì mình còn trồng thêm cam, làm ruộng, ráng làm cho khá khá hơn để cất nhà khang trang.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Cầu Kè tiếp tục phát triển sản xuất các cây trồng lợi thế, thích ứng với biến đổi khí hậu, có giá trị theo hướng tập trung, quy mô lớn. Đặc biệt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, hệ thống canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh, tạo ra chuỗi sản xuất - tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm tỷ trọng diện tích trồng lúa một cách hợp lý, chuyển dần sang các loại cây trồng có giá trị, hiệu quả hơn.

Ông Tô Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Điền, huyện Cầu Kè cho biết: Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và huyện hỗ trợ cho hội viên nông dân làm lúa kém hiệu quả chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhận thấy hiện nay tổ màu ấp Ô Tưng A rất là hiệu quả. Trước kia Tổ này làm lúa kém hiệu quả, Hội nông dân có hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên và cho vay vốn Qũy hỗ trợ, từ đó họ trồng màu lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần, hiện nay gia đình các gia đình đều phát triển. Riêng trong năm 2023, Hội tiếp tục triển khai cho vay vốn 350 triệu để cho bà con sản xuất trồng màu và chăn nuôi.

Theo ngành chức năng huyện Cầu Kè: việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa ứng phó với biến đổi khí hậu không những mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích, đặc biệt hạn chế được tình trạng “bỏ không” đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ hoặc tình trạng ngập úng kéo dài. Đây cũng được xem là giải pháp để người dân an tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trong thời gian tới, huyện Cầu Kè tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp cụ thể, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều; động viên hộ nghèo khắc phục khó khăn để tự lực vươn lên thoát nghèo; lồng ghép nhiều nguồn lực để ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận với thông tin và các dịch vụ cơ bản. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,9%. Hàng năm giải quyết việc làm cho 3.500 lao động. Từng bước thay đổi chính sách bao cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng chính sách hỗ trợ cho vay cho mượn trả dần”. Đặc biệt, xây dựng cơ chế phối hợp minh bạch, phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phù hợp tình hình thực tiễn ở từng địa phương.

Minh Thùy