Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer
Lượt xem: 848
Trà Vinh – tỉnh nằm ở phía đông nam đồng bằng sông Cửu Long có dân số hơn 1 triệu người, tỉnh có gần 32% dân số là dân tộc Khmer. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Trà Vinh tập trung quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc với nhiều Nghị quyết được ban hành sát hợp điều kiện thực tiễn. Từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên và làm chuyển biến rõ nét vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Ngay sau khi tách tỉnh tháng 5/1992 đến nay, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành các Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 03 và Nghị quyết số 06 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer tỉnh nhà. Trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển toàn diện trong vùng đồng bào dân tộc. Theo đó, nhiều chính sách có tác động mạnh mẽ đến đời sống của đồng bào Khmer, như: chính sách xây dựng hạ tầng thiết yếu; chính sách hỗ trợ thoát nghèo, chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường,...

 Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, trong những năm qua, việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc tại tỉnh Trà Vinh đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer.

Hòa thượng Thạch Sok Xane, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh cho biết: Phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc mình – trong đó có tiếng nói, chữ viết của dân tộc; thể hiện tinh thần Chỉ thị 68 ngày  18/4/1991 của Ban Bí thư về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tôi cũng rất hoan hỷ, vui mừng vì được Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tạo điều kiện, nguồn lực cho dân tộc, cán bộ dân tộc có đủ năng lực, trình độ, góp phần xây dựng tỉnh Trà Vinh ngày càng phát triển và giàu mạnh.

Lớp dạy chữ Khmer tại chùa Phật giáo Nam tông Khmer

Nếu năm 1992 có 40% hộ Khmer nghèo, năm 2016, hộ nghèo dân tộc Khmer trên 23%, thì đến cuối năm 2022 tỉ lệ này giảm còn 3,6%, tương đương 3.223 hộ. Bình quân hằng năm tỉnh giảm gần 4% hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trà Vinh thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo về đích trước 1 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X.

Trà Cú là huyện có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh Trà Vinh, chiếm hơn 60% dân số. Vùng đất Trà Cú một thời được xem là vùng đất khó, đất cát nóng bỏng - một năm chỉ sản xuất lúa được một vụ duy nhất, năng suất bấp bênh tỉ lệ hộ nghèo khá cao. Trong  những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, nhất là nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi đối tượng canh tác, nuôi trồng, đời sống của người dân vùng “đất khó một thời” đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Bà Thạch Thị Sa, ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp thuộc diện hộ nghèo nhiều năm do không có vốn làm ăn, thiếu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi .... nên cái nghèo luôn đeo đẳng. Đầu năm 2020, gia đình bà được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo trồng cỏ và chăn nuôi bò sinh sản. Đây là tạo động lực giúp bà cùng các thành viên trong gia đình lao động, vươn lên để cuộc sống gia đình phát triển khấm khá hơn.

Bà Thạch Thị Sa thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản

Xác định giảm nghèo, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, huyện Cầu Ngang tập trung xây dựng nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, “xuất khẩu lao động” là giải pháp hữu hiệu giúp người lao động được giải quyết việc làm và vươn lên khấm khá hơn. Ông Sơn Thươne, ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang thoát nghèo nhờ có con gái đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản năm 2019. Hiện tại, con gái ông vẫn đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Nhật.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng mới khang trang được xây từ tiền lương làm việc của con gái gửi về, ông cho biết: đầu năm 2019, sau khi được chính quyền địa phương cùng Trung Tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh tuyên truyền chính sách xuất khẩu lao động, hướng dẫn cụ thể hồ sơ, thủ tục xuất khẩu lao động, gia đình ông đã có sự chuyển biến tích cực. Con gái của ông Thươne đã đăng ký đi Nhật Bản làm việc với mức lương khá cao. Mỗi tháng, con ông gửi về cho gia đình hơn 20 triệu đồng.

Ông Sơn Thươne phấn khởi nói: Tôi thường xuyên gọi điện điện với con gái thì biết môi trường làm việc của con ở Nhật rất ổn. Ngoài thu nhập từ công việc của con, ở nhà tôi cũng làm ruộng, chăn nuôi heo, bò để có thu nhập thêm.

Trao đổi với chúng tôi,  ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều Nghị quyết thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer, những chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, giúp đồng bào Khmer được nâng cao dân trí, am hiểu pháp luật, đời sống văn hóa, tinh thần, tham gia văn hóa, văn nghệ, được phát triển trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật… Từ đó, đồng bào Khmer tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, giữ vững ổn định an ninh trật tự xã hội. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện nhiều chương trình, cải cách sát hợp, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm lo chính sách dân tộc, phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào dân tộc để lan tỏa mạnh mẽ các cuộc vận động, phong trào ở địa phương.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Đối với Trà Vinh, để đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025 và là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đề ra thì sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em chính là sức mạnh to lớn để hoàn thành mục tiêu và xây dựng quê hương ngày càng đổi thay, giàu đẹp.

Minh Thùy 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image