Lan tỏa mô hình chăm lo cho học sinh nghèo
Lượt xem: 1174
Nghị định 69 của Chính phủ ban hành ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa, đi đầu là giáo dục đã được thực thi hiệu quả trong nhiều năm qua. Trên tinh thần “Đầu tư cho Giáo dục là đầu tư cho phát triển”, tỉnh Trà Vinh đã không ngừng phấn đấu, quyết tâm vượt khó, huy động mọi nguồn lực xã hội theo đúng Nghị định 69, tập trung phát triển hệ thống giáo dục theo hướng toàn diện; đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà.

Thầy Kha Thanh Liêm trao đổi với gia đình em Trâm

Xác định rõ vai trò, sứ mệnh trong sự nghiệp “Trồng người”, Chi bộ trường THPT Hòa Lợi trực thuộc Huyện ủy Châu Thành đã cụ thể hóa Nghị định 69 của Chính phủ bằng những việc làm thiết thực. Năm học 2022-2023, Quỹ 3 đủ ra đời là kết quả của sự chung sức đồng lòng của tập thể cán bộ, đảng viên, giáo viên trường THPT Hòa Lợi với mục tiêu “giúp học sinh nghèo, khó khăn đều được đến trường”.                                     

Trường THPT Hòa Lợi nằm ven Quốc lộ 53, thuộc ấp Đa Hòa Bắc, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ngôi trường có hai cấp học với gần 60% học sinh dân tộc Khmer. Bởi thế, việc ươm mầm tri thức, tiếp sức để các em học sinh vượt khó, vững bước đến trường là nghĩa cử đẹp và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường.

Em Sơn Đây, học sinh Trường THPT Hòa Lợi bày tỏ suy nghĩ: Nhà trường hỗ trợ từ Quỹ 3 đủ cho em từ năm lớp 11 tới lớp 12 này, hỗ trợ giày dép, quần áo, tập, sách. Nhờ Quỹ 3 đủ mà em có thể tiếp tục đến trường, gia đình cũng đỡ vất vả hơn, em sẽ cố gắng học tập thật tốt. Nguyện vọng của em là có thể học nghề có thu nhập để phụ giúp gia đình.

Thầy Kha Thanh Liêm, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Hòa Lợi là người khởi xướng Quỹ 3 đủ với mong muốn không để bất cứ em học sinh nào của nhà trường phải bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở dụng cụ học tập. Quỹ 3 đủ sẽ tồn tại song song với hai mô hình khuyến học khuyến tài sẵn có của nhà trường là: quỹ khuyến học và phong trào Mỗi thầy cô giáo tham gia đỡ đầu trực tiếp ít nhất một học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

 Trao đổi với chúng tôi, em Trần Thị Mỹ Trâm, học sinh trường THPT Hòa Lợi  chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, nhà trường quan tâm, giúp đỡ gia đình em rất nhiều. Cha em làm phụ hồ, mẹ em bị bệnh nặng nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của nhà trường, bản thân em có điều kiện tiếp tục đến lớp và em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô đã giúp đỡ gia đình em, nguyện vọng của em là muốn học ngành sư phạm – trở thành giáo viên mầm non.

Năm học 2023 – 2024, trường THPT Hòa Lợi có gần 1.200 em học sinh, trong đó,  số học sinh có hộ nghèo, cận nghèo chiếm 10%. Với số tiền đóng góp tự nguyện 20.000 đồng mỗi tháng, sự chung sức của mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên sẽ giúp cho học sinh hoàn cảnh khó khăn có đủ gạo để ăn, đủ áo mặc, đủ giày dép; đủ sách vở, dụng cụ học tập; thậm chí là giúp các em có tiền đóng học phí

Thầy Kha Thanh Liêm, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Hòa Lợi cho biết: Chi bộ trường chỉ đạo cán bộ, giáo viên thành lập mô hình Quỹ 3 đủ để giúp đỡ các em học sinh nghèo thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở và được các thầy cô đồng tình, ủng hộ rất nhiều. Hàng tháng, mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên đóng góp 20 ngàn đồng hoặc nhiều hơn và vận động mạnh thường quân để tiếp sức giúp đỡ các em, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Đến nay nhà trường đã vận động gần 100 triệu đồng và hỗ trợ trên 300 lượt học sinh nghèo.

Quán triệt Nghị định số 69 của Chính phủ“về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường”, thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. 10 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ dụng cụ học tập, trao hàng nghìn suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.

 

Trao tặng xe đạp cho học sinh từ nguồn vận động xã hội hoá

Trong giai đoạn mới, Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định 69 của Chính phủ về công tác xã hội hóa giáo dục. Đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học trên nền tảng công nghệ số nhằm đào tạo nên nhiều thế hệ vừa hồng vừa chuyên cho quê hương Trà Vinh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29 tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám khóa XI  “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Minh Thùy