Tiểu Cần lan tỏa phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”
Lượt xem: 608
0:00 / 0:00

Trong những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới luôn được Hội Nông dân huyện Tiểu Cần chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, đặc biệt là hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

anh tin bai

Ông Thạch Chơn với mô hình sản xuất lúa

 Xuất phát điểm là một nông dân chỉ có 5 công đất ruộng, những ngày đầu bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình, ông Thạch Chơn – ngụ xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần chí thú làm ăn, ông không bỏ cuộc mà luôn tích cực học hỏi cách làm hay, kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả để nâng cao thu nhập. Sau nhiều lần mày mò, kết hợp với việc tìm hiểu kinh nghiệm từ các hộ xung quanh, ông Chơn sản xuất ngày càng hiệu quả. Đối với mô hình nuôi bò sinh sản, ông tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để trồng cỏ và tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho bò. Trong chăn nuôi, ông chú trọng nhiều yếu tố kĩ thuật như: cách chọn con giống, thời điểm bắt bò giống, khẩu phần ăn trong giai đoạn bò sắp đẻ…Chính vì vậy, bò nuôi của gia đình ông luôn phát triển và sinh sản hiệu quả. Đến nay, ông Chơn đã sở hữu được 8 con bò. Tận dụng lợi nhuận từ mô hình chăn nuôi, ông Chơn mở rộng thêm diện tích ruộng của gia đình, hiện, ông đã sở hữu hơn 40 công ruộng. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, ông Chơn còn mua thêm các loại máy móc như máy cắt, máy cày, máy cuộn rơm để làm dịch vụ nông nghiệp khi bà con địa phương có nhu cầu. Hằng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu nhập khoảng trên 500 triệu đồng.

Cũng là một nông dân được địa phương đánh giá hưởng ứng tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, hơn 2 năm nay, anh Thạch Thanh Tâm – ngụ xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần phát triển kinh tế khá hiệu quả với mô hình nuôi lươn không bùn. Theo anh, mô hình nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm nổi trội như: tiết kiệm tối đa diện tích nuôi, hạn chế thức ăn dư thừa và dễ phát hiện các loại bệnh trên lươn. Tuy nhiên, để tránh tỉ lệ hao hụt, điều cần chú ý nhất đó là nguồn nước nuôi. Chính vì vậy, từ khi bắt đầu thực hiện mô hình, anh Tâm đã tự mày mò thiết kế bình lọc nước để dẫn vào bể nuôi nhằm giảm tỉ lệ hao hụt con nuôi và tăng lợi nhuận. Ngoài ra, anh cũng chú ý khâu chọn thức ăn, tẩy giun định kỳ cho lươn và đặc biệt là luyện cho lươn nghe nhạc từ nhỏ đến lớn để tăng năng suất và phòng tránh việc lươn chết hàng loạt do sốc âm thanh đột ngột. Từ việc thử nghiệm nuôi 6.000 lươn giống ban đầu, đến nay anh đã mở rộng ra thêm 15.000 con.

anh tin bai

Anh Thạch Thanh Tâm với mô hình nuôi lươn không bùn

 Toàn huyện Tiểu Cần có khoảng 32% dân số là đồng bào Khmer. Nhiều năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời, tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, qua nhiều năm phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vùng đồng bào khmer trên địa bàn huyện Tiểu Cần đã có sự chuyển biến tích cực, không chỉ riêng ông Thạch Chơn, anh Thạch Thanh Tâm mà nông dân Khmer trên địa bàn huyện cũng luôn phấn đấu hết mình trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia nhiều phong trào do địa phương phát động. Trong năm 2023, toàn huyện Tiểu Cần có hơn 9.600 hộ đăng ký tham gia phong trào nông dân sản xuất giỏi, đạt 107% so chỉ tiêu. Tổng số hội viên nông dân đạt nông dân sản xuất giỏi là trên 6.800 hộ đạt trên 138% so chỉ tiêu.

Ông Giảng Trọng Thảo, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Tiểu Cần cho biết, trong thời gian tới, các cấp Hội nông dân trên địa bàn huyện sẽ tập trung tuyên truyền, vận động thành lập nhiều chi hội, tổ nhóm nghề nghiệp để trao đổi, học tập kinh nghiệm, tạo điều kiện kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm trên tất cả lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời nhân rộng một vài tổ, nhóm hiệu quả để rút kinh nghiệm. Hiện nay, Hội nông dân cũng thành lập các tổ, nhóm để hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất từ hai kênh vốn là Ngân hàng chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân, đồng thời, kết nối các đơn vị liên quan để hỗ trợ nông dân các vấn đề về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân sản xuất ngày càng hiệu quả.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, không trông chờ, ỷ lại, thời gian qua nhiều nông dân Khmer ở huyện Tiểu Cần đã phát triển kinh tế bền vững. Thông qua các gương điển hình này, có thể thấy rằng, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp Hội nông dân phát động đã và đang lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

                              Xuân Thảo

 

 

         

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image