Tri ân những “vì sao” hôm nay
Lượt xem: 1269
Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, Trà Vinh hôm nay tiếp tục phát huy tình đoàn kết, chăm lo công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Hội LHPN huyện Cầu Ngang thăm, tặng quà cho bà Trương Thị Lạc

Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh về những người phụ nữ anh dũng, kiên trung, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng vì độc lập, tự do của Tổ quốc thì mãi mãi ngời sáng. Chúng tôi có dịp gặp gỡ, lắng nghe cảm xúc của 2 trong số rất nhiều nữ tù chính trị tỉnh Trà Vinh có nhiều cống hiến trong sự nghiệp cách mạng.

Ngôi nhà nhỏ chất chứa bao câu chuyện xúc động về tình đồng chí, tình thân, tình người, được bà Trương Thị Lạc, thương binh hạng 4/4, một trong những nữ tù chính trị ngụ ấp 3, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang chia sẻ với chúng tôi trong những ngày giữa tháng 7 năm 2023. Hiện nay, bà Lạc đã gần 80 tuổi nhưng bà vẫn còn nhớ rất rõ thời kỳ đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Cùng với phong trào Đồng Khởi năm 1960, đi đầu là “Đội quân tóc dài” tỉnh Bến Tre, tiếp đó là các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang,… chị em phụ nữ tại Trà Vinh bất kể sang hèn đều quyết tâm đoàn kết, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Bà Lạc tham gia cách mạng với vai trò giao liên – thông tin thư từ, kết nối các đơn vị từ Cầu Ngang đến Trà Vinh thời ấy. Ở vị trí nào bà cũng toàn tâm, làm hết trách nhiệm của mình.

Những tấm Huân chương kháng chiến cùng nhiều tấm bằng ghi nhận công lao đóng góp của bà Trương Thị Lạc, không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với bà, mà đó còn là một phần trong cuộc sống, một phần kỷ niệm khi nghĩ đến những người đồng chí đã chiến đấu, hy sinh vì nước.

Bà Trương Thị Lạc bày tỏ: được Hội Phụ nữ huyện Cầu Ngang và chính quyền địa phương đến gia đình thăm viếng, chăm sóc, tôi cũng thành thật cảm ơn, tôi sẽ giáo dục con cháu tôi noi gương truyền thống cách mạng từ trước tới giờ để xây dựng quê hương thêm giàu mạnh.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, 48 mùa xuân đã đi qua, nhưng thời gian ấy chưa gọi là dài để có thể làm phai mờ khí thế sôi sục của những ngày “Nam – Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”. Bà Nguyễn Thị Song, thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, người phụ nữ gan dạ đã làm cho quân giặc và nhiều người nhận rõ: tuy phụ nữ chân yếu, tay mềm nhưng lòng dạ sắt son, sẵn sàng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, dù phải đánh đổi bằng tuổi xuân, mồ hôi, xương máu và nước mắt.

Tham gia cách mạng vào năm 1968, bà Song tích cực vận động nhiều phụ nữ địa phương chống Mỹ, triển khai và bám chặt phong trào “Ba đảm đang” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Với hơn 50 năm tuổi Đảng và là thương binh hạng 4/4, hiện nay, bà Song luôn giáo dục thế hệ trẻ sống, lao động, học tập, làm giàu cho quê hương; đặc biệt là làm hết trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thu Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cầu Ngang cho biết: Các cấp Hội phụ nữ trong huyện cũng phối hợp với các ngành để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa cho gia đình chính sách, các cô là nữ tù đày trên địa bàn huyện. Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị thì Hội LHPN huyện và Hội Phụ nữ cơ sở học tập ở Bác tấm lòng yêu thương, san sẻ đối với các cô có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi đang chăm sóc cho 23 cô là nữ tù chính trị.

Toàn tỉnh Trà Vinh có gần 64.500 người có công với cách mạng, chiếm tỷ lệ 6,4% so với tổng dân số. Trong đó, có hơn 19.600 liệt sĩ; hơn 9.800 thương bệnh, binh; 3.370 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tinh thần quả cảm, chiến đấu vì độc lập, tự do, bảo vệ Tổ quốc của những thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến đã trở thành tượng đài vững chắc –  ánh sáng soi đường cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.

Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh nói: Trà Vinh quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa XII "Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng". Sở tiếp tục phối hợp các ngành, các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Phối hợp thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩa, tổ chức tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 Trong giai đoạn mới, Trà Vinh tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa, vận động nguồn lực chăm lo gia đình người có công với cách mạng. Lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, để hôm nay đây, những người con của quê hương có thể nối bước cha anh; tự tin viết tiếp những mùa xuân sau với niềm khát khao, tự hào, đổi mới và hội nhập.

Minh Thùy

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image