Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
Lượt xem: 3104
0:00 / 0:00

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

anh tin bai

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng
gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi

Theo kế hoạch, giai đoạn 2024 – 2025, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi 4.306,04 ha cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Trong đó, thực hiện chuyển đổi sang cây hàng năm khác 1.449,4 ha; chuyển đổi sang cây lâu năm 1.259,22 ha; chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 338,2 ha.

Riêng năm 2024, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 2.058,8 ha, gồm: chuyển sang cây hàng năm khác 590,70 ha, sang cây lâu năm 658,35 ha, sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 151,4 ha.

Định hướng đến năm 2030, dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 5.761,86 ha, gồm: chuyển sang cây hàng năm khác 2.595,30 ha, sang cây lâu năm 1.445,58 ha, sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 275,40 ha.

Thông qua việc chuyển đổi nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước, lao động của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững; hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao giá trị sản lượng trên một hecta đất nông nghiệp.

UBND tỉnh yêu cầu việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu; hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương và không làm mất đi các điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

Trường hợp chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác hoặc kết hợp với nuôi trồng thủy sản phải lựa chọn cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi đảm bảo hiệu quả.

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tham mưu phối hợp với chính quyền, đoàn thể các cấp hướng dẫn, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả.

Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố xác định các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm hoặc loại thủy sản phù hợp, các biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm,... phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo có hiệu quả; hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch.

UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh, xây dựng và tổ chức thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn đảm bảo đúng quy định.

Chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cấp xã trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi cấp huyện; tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc xác định vùng chuyển đổi; thông báo công khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại trụ sở UBND cấp xã.

Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Trúc Phương

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image