Tổ chức diệt chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt
Lượt xem: 3520
0:00 / 0:00

UBND tỉnh vừa phê duyệt Kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024.

anh tin bai

Nông dân đào đất bắt chuột (ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Theo kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức, phát động phong trào diệt chuột và tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất.

Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng thực hiện diệt chuột bằng bẫy cây trồng, bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt, bằng các biện pháp thủ công, như: đào bắt, bẫy chuột và sử dụng bả diệt chuột. Tổ chức diệt chuột cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương và các diện tích đất bỏ hoang. Hạn chế sử dụng nylon quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không dùng điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để diệt chuột.

Hàng vụ triển khai 2 đợt diệt chuột tập trung, diệt được ít nhất 3 triệu con chuột/năm; từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình diệt chuột bằng các loại bẫy chuột tại các địa phương có nhiều diện tích sản xuất xen canh, chuyển đổi sang sản xuất đa canh,...

 UBND tỉnh cũng chỉ đạo tập trung triển khai một số giải pháp như tổ chức tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tình hình chuột gây hại và các đợt diệt chuột trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử, Zalo, Facebook,... để hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật diệt chuột an toàn, hiệu quả; đồng thời, cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.

Tuyên truyền, tập huấn về phòng trừ, diệt chuột cho cán bộ nông nghiệp cấp huyện và cấp xã, thành viên các hợp tác xã, trang trại và hộ dân sản xuất nông nghiệp về quy trình kỹ thuật phòng, chống chuột hại cây trồng.

Tổ chức diệt chuột thường xuyên. Đối với cây lúa, tổ chức ra quân 2 đến 3 đợt/vụ diệt chuột tập trung, vận động nông dân ra quân đồng loạt theo từng cánh đồng. Thời điểm ra quân diệt chuột có thể chia ra các đợt như sau: trước khi xuống giống; lúa 20 - 25 ngày sau khi sạ và giai đoạn lúa làm đòng - bắt đầu trổ.

Các biện pháp diệt chuột đối với cây lúa bao gồm:

Biện pháp canh tác: vệ sinh đồng ruộng; theo dõi mùa vụ; nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa đòng - trổ để hạn chế chuột gây hại hoặc làm tổ ven bờ.

Biện pháp vật lý, cơ học: sử dụng các bẫy cơ học; dùng rào cản bao quanh ruộng hoặc bẫy hàng rào cản; tìm kiếm các hang chuột để đào, đổ nước, hun khói hoặc soi đèn, dùng chó để săn bắt chuột.

Biện pháp sinh học: nuôi mèo, chó... để diệt chuột; nghiêm cấm săn bắt các loại động vật là thiên địch của chuột, như: rắn, chim cú mèo, chim cú lợn...; ưu tiên sử dụng các loại bả sinh học.

Biện pháp hóa học: sử dụng bả, thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường; chỉ dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách).

Đối với các loại cây trồng khác, chuột gây hại vào ban đêm ở bất cứ giai đoạn nào của cây nhưng gây hại mạnh nhất là giai đoạn gieo hạt/mới trồng, giai đoạn hình thành củ/quả khi chính. Cần áp dụng tất cả các biện pháp diệt chuột giống như cây lúa nhưng ưu tiên sử dụng biện pháp cơ học và sinh học, như: nuôi chó mèo để bắt chuột thường xuyên; dùng bẩy (bẩy lồng, bẩy kẹp), bã sinh học khi phát hiện chuột gây hại trên cây trồng.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNN chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Khi có dịch chuột xảy ra, nhanh chóng tham mưu công bố dịch, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dập dịch chuột đúng theo quy định hiện hành.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức kế hoạch diệt chuột của đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, đúng quy định.

Chỉ đạo phòng chuyên môn tập huấn nâng cao nhận thức cho người sản xuất, đối tượng là các hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất trồng trọt; chủ động hướng dẫn, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch, tổ chức tập huấn cho người dân, mua bẫy thủ công phục vụ các đợt diệt chuột tại địa phương, với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đồng thời, phối hợp với Sở NN&PTNT, các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền công tác diệt chuột để nhân dân biết, chủ động tham gia thực hiện.

Tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột, nhất là ở cấp xã, hợp tác xã, khóm, ấp; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn hướng dẫn các biện pháp diệt chuột cho các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng; chỉ đạo, hỗ trợ các xã, hợp tác xã và các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng tham gia thực hiện các đợt diệt dịch đồng loạt theo thời gian do Sở NN&PTNT phát động.

Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh phối hợp với Sở NN&PTNT thường xuyên tuyên truyền về các đợt diệt chuột; hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.

 

Trúc Phương